MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều công nhân lao động mong được tăng lương tối thiểu vùng từ đầu năm 2024. Ảnh: Mạnh Cường.

Người lao động mong tăng lương tối thiểu vùng từ đầu năm 2024

Mạnh Cường LDO | 27/07/2023 15:52

Thu nhập của nhiều lao động được tính theo công thức lương cơ bản + phụ cấp + doanh số. Khi doanh số thấp hoặc không có, họ mới thấy tăng lương tối thiểu vùng vô cùng quan trọng.

Chị Nguyễn Thị Tâm (37 tuổi) - nhân viên marketing ngụ tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, mức lương cơ bản đang được hưởng là 4.770.000 đồng/tháng, cao hơn 90.000 đồng so với lương tối thiểu vùng. Công ty chị Tâm đang làm thuộc vùng I của thủ đô Hà Nội.

Khi không có doanh số, thu nhập của chị Tâm chưa được 8 triệu đồng/tháng bởi phụ cấp công việc chỉ có 3 triệu đồng. Theo nữ nhân viên, với mức thu nhập này, sống ở thủ đô Hà Nội thực sự vô cùng khó khăn.

“Riêng hai đứa con tôi đi học một tháng đã hết hơn 5 triệu đồng, tiền sinh hoạt ăn uống của cả gia đình thấp nhất cũng 5 triệu đồng/tháng chưa kể điện nước rồi phí chung cư. Nếu tháng nào doanh số tốt thì còn đủ chi trả, tháng nào không có hoặc thấp phải cắt từ tiền lương của chồng” - chị Tâm chia sẻ.

Thu nhập của nhiều nhân viên văn phòng 60% phụ thuộc vào lương tối thiểu vùng. Ảnh: Phương Trang.

Chồng chị Tâm làm quản lý nhà hàng nên mỗi tháng được 15 triệu đồng. Số tiền này hai vợ chồng chị quy định chỉ để trả nợ căn nhà mua trả góp và thi thoảng cho cả gia đình đi chơi, du lịch. Do đó, khi phải dùng đến số tiền này chi trả sinh hoạt hàng ngày cũng là bất đắc dĩ.

Để cải thiện thu nhập, chị Tâm đã nhận thêm công việc viết bài cho các doanh nghiệp tại nhà. Tuy nhiên, quỹ thời gian hạn hẹp nên thu nhập cũng không đáng là bao. Vì thế, chị Tâm luôn hy vọng Nhà nước tăng lương tối thiểu vùng lên ít nhất 5 triệu đồng từ đầu năm 2024 để thu nhập được cải thiện theo.

Anh Nguyễn Văn Chương (47 tuổi) - công nhân mài đế giày tại Nam Định cũng mong muốn tăng lương tối thiểu vùng sớm và cao hơn. Bởi hiện tại, mức lương cơ bản anh đang nhận là 3.85 triệu đồng/tháng, chỉ cao hơn 210.000 đồng so với lương tối thiểu vùng III (3.640.000 đồng).

Trao đổi với Lao Động, anh Chương đưa ra 3 lý do có lợi cho người lao động nói chung và công nhân nói riêng khi tăng lương tối thiểu vùng.

Thứ nhất, theo nam công nhân mức lương tối thiểu vùng tăng sẽ kéo lương cơ bản và các phụ cấp đi kèm tăng theo. Như năm ngoái khi tăng từ 3.660.000 đồng lên 3.760.000 đồng, phụ cấp độc hại, trách nhiệm và thâm niên của nam công nhân cũng tăng lên mỗi loại hơn 30.000 đồng.

Thứ hai, anh Chương cho biết, lương cơ bản tăng giúp ích rất nhiều cho các ngày bản thân nghỉ ốm, ngày nghỉ lễ, Tết theo quy định. Lúc đó thu nhập tính hoàn toàn dựa vào lương cơ bản nên nếu tăng sẽ cải thiện rất nhiều. Chia sẻ chi tiết hơn, anh Chương cho rằng nên tăng ngay từ đầu năm 2024 bởi sau thời gian này có rất nhiều ngày nghỉ lễ.

“Tháng 2.2024 cũng là dịp cận Tết Nguyên đán. Các tháng sau đó lại có ít nhất 3 hoặc 4 ngày nghỉ lễ 30.4 - 1.5 nữa. Công nhân chúng tôi mỗi tháng có thêm 1 ngày nghỉ phép năm nếu cộng cả vào sẽ rất nhiều. Lương tối thiểu vùng và lương cơ bản tăng giúp đảm bảo thu nhập những ngày này tốt hơn hẳn” - nam công nhân chia sẻ.

Cuối cùng, theo anh Chương, công ty thường tăng lương cơ bản sát với lương tối thiểu vùng. Vì thế, anh hy vọng Nhà nước tăng lương tối thiểu vùng lên sớm với mức khoảng 4 triệu đồng để công ty tăng theo. Như thế, những lúc ít việc chỉ làm giờ hành chính tính theo lương cơ bản nam công nhân cũng đỡ lo lắng.

Lương tối thiểu là mức lương thấp nhất mà người sử dụng lao động trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Mức lương tối thiểu được thay đổi hàng năm để phù hợp với nhu cầu sống của người lao động và gia đình họ. Được Chính phủ quy định dựa trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn