MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người lao động thất nghiệp nóng lòng chờ ngày được đi làm lại

KHÁNH LINH - ANH TÚ LDO | 25/10/2021 17:14

TPHCM - Sau khi TPHCM đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, một số ngành nghề đã được cho phép hoạt động trở lại nhưng thực tế vẫn có nhiều người lao động vẫn tiếp tục thất nghiệp, chật vật với cuộc sống mà chưa biết ngày nào được đi làm.

This browser does not support the video element.

Clip người lao động chia sẻ về những khó khăn khi phải bám trụ tại TPHCM chờ ngày dịch tan.

Dịch bệnh kéo dài 4 tháng, khiến không ít công nhân, người lao động tại TPHCM bị mất việc hoặc phải tạm nghỉ việc. Bằng đấy ngày tháng là bằng ấy thời gian họ rơi vào cảnh lao đao vì mất việc đột ngột, lại không có dư nguồn tích lũy nên họ chỉ đủ tiền bảo đảm cuộc sống trong thời gian ngắn.

Thế nhưng khi cuộc sống dần trở lại bình thường, đường phố dần đông đúc nhộn nhịp, một số ngành nghề đã hoạt động trở lại nhưng vẫn còn rất nhiều những người lao động tự do đã bị chao đảo trước làn sóng của dịch COVID-19 tác động mong chờ ngày được "tay làm hàm nhai", đi làm mưu sinh trang trải cuộc sống nơi thành phố.

Chị Vũ Thị Lan (quê Hưng Yên, ngụ quận Gò Vấp) chật vật xoay sở trong mùa dịch để lo cho cuộc sống của 2 mẹ con.

Khác với nhiều người trong khu trọ chọn cách rời TPHCM về quê khi được phép đi lại liên tỉnh, chị Vũ Thị Lan (quê Hưng Yên, ngụ quận Gò Vấp), thường ngày bán cây cảnh mini dạo, vẫn chọn cách bám trụ thành phố để chờ ngày đi làm trở lại, mặc dù đã có lúc chị từng có ý định trở về quê.

Gắn bó với TPHCM gần 15 năm nay, chưa bao giờ cuộc sống gia đình chị chật vật như lúc này. Giãn cách triền miên, không buôn bán được, thiếu trước hụt sau, gia đình phải dùng tới số tiền ít ỏi tích góp được của cả 2 vợ chồng và trông cậy vào khoản tiền hỗ trợ của thành phố.

“Bốn tháng nay, dịch bệnh nên chỉ ở nhà, đâu có làm được gì, thấy người ta về quê từng đoàn, mình cũng muốn lắm chứ. Nhưng mà về thì cũng không giải quyết được gì. Về nhà lúc này không làm việc gì được, thôi thì cứ trụ ở đây, ông xã đã đi làm lại rồi, chỉ chờ đến lượt mình”- chị Lan nói.

Cũng rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp từ khi dịch bệnh bùng phát sau kỳ nghỉ lễ 30.4-1.5, chị Võ Thị Mỹ Nương - là giáo viên trường mầm non tư thục ở TP. Thủ Đức tâm sự, sau kỳ nghỉ lễ 30.4, trường đóng cửa, chị không còn thu nhập.

Chị Võ Thị Mỹ Nương dự định sẽ gửi các con về quê và kiếm việc làm mới nếu tình hình này kéo dài.

Nhiều tháng nay, tiền ăn, tiền thuê trọ, tiền sữa cho 2 đứa con nhỏ phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập bấp bênh từ công việc lái xe của chồng chị. Sau thời gian dài cố gắng bám trụ thành phố chờ ngày được đến trường, nguồn tiết kiệm của gia đình cũng đã dần cạn kiệt. Từ những ngày đầu tháng 10, chị Nương luôn mong chờ từng ngày thông báo đi làm trở lại và thậm chí cũng từng nghĩ sẽ chuyển việc nếu chờ đợi kéo dài.

“Nếu tình hình này kéo dài đến cuối năm, tôi dự định sẽ cho con về với ngoại, tôi kiếm việc mới, xoay xở lo kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Cứ tiếp tục cuộc sống như thế này, một mình chồng tôi đi làm không đủ trang trải hết các chi phí như ăn uống, sữa, phòng trọ…”- chị Nương tâm sự.

Nhiều người lao động vẫn đang mong chờ từng ngày để được trở lại với nhịp sống trước đây.

Gần 1 tháng TPHCM trở lại trạng thái bình thường mới, bên cạnh nhiều hoạt động đã được trở lại thì nhiều ngành nghề như bán hàng rong, xe ôm truyền thống vẫn chưa được phép hoạt động. Những người lao động tự do này là những đối tượng dễ tổn thương nhất từ dịch COVID-19 bởi vốn dĩ những ngày bình thường, họ cũng đã đầy khó khăn và nhọc nhằn để mưu sinh.

Ông Trần Văn Kháng - xe ôm truyền thống ở TP. Thủ Đức trông chờ từng ngày thành phố cho hành nghề trở lại khi bản thân đã được tiêm 2 mũi vaccine COVID-19.

“Chúng tôi là những lao động tự do chạy xe ôm truyền thống mong muốn thành phố sớm cho anh em chúng tôi được chạy lại, kiếm sống. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, đương nhiên là vẫn phải đề phòng, nhưng nếu được đi làm, tôi sẽ tuân thủ 5K, mang khẩu trang và nước rửa tay, xịt khuẩn bên mình”- ông Kháng mong mỏi.

Sự tàn khốc của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã là nỗi ám ảnh của nhiều người dân TPHCM, nhất là những lao động tự do xa quê. Những ngày tháng đó, họ không thể tự mình kiếm tiền mưu sinh, hơn lúc nào hết, họ đang mong chờ từng ngày để được trở lại với nhịp sống trước đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn