MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người nghỉ hưu sau năm 1995 ở mức thấp cũng mong được tăng lương hưu

Bạn đọc Nguyễn Đước LDO | 26/03/2024 11:13

Nghỉ hưu từ 2018, hiện mức lương hưu của bà Bùi Thị Đệ (quận Bình Thạnh, TPHCM) chỉ vỏn vẹn 2.730.000 đồng/tháng. Bà hi vọng sắp tới sẽ tăng lương hưu đối với những trường hợp như bà để cuộc sống bớt khó khăn…

Bà Đệ cho biết bà sinh tháng 10.1963. Nhiều năm trước đây bà làm công nhân cho một xí nghiệp chuyên về cơ khí và xây dựng tại TPHCM.

Sau hơn 17 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, cảm thấy sức khỏe giảm sút, không thể tiếp tục làm công việc nặng nhọc được nên bà xin nghỉ việc.

Vì khi nghỉ việc chưa đủ 50 tuổi, cũng như chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội nên bà bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và sau đó tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại địa phương để chờ đủ điều kiện làm thủ tục hưởng chế độ hưu trí.

Tháng 10.2018 khi 55 tuổi và đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội (20 năm), bà đến cơ quan bảo hiểm xã hội để làm thủ tục hưởng chế độ hưu trí.

Thế nhưng điều làm cho bà khá hụt hẫng và bất ngờ là với thời gian đóng bảo hiểm xã hội 20 năm, trong đó có khoảng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 17 năm 3 tháng, nhưng mức tiền lương hưu chỉ có vỏn vẹn 1.971.454 đồng/tháng.

Bà Bùi Thị Đệ mong muốn được tăng lương hưu so với con số khiêm tốn 2.730.000 đồng/tháng như hiện nay. Ảnh: Nguyễn Đước

“Cầm quyết định nghỉ hưởng chế độ hưu trí, chân tôi bủn rủn, đi không vững vì không nghĩ rằng lương hưu mình thấp đến thế với thời gian gần 20 năm làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm. Tôi chỉ biết tự an ủi bản thân: Thôi thì có lương hưu còn hơn không” - bà kể lại.

Qua các đợt điều chỉnh tiền lương hưu mỗi năm, hiện nay mức tiền lương hưu của bà cũng chỉ ở con số khiêm tốn 2.730.000 đồng/tháng. Với mức tiền lương hưu như vậy, bà không thể nào trang trải cuộc sống. Sau khi nghỉ hưu, không muốn phụ thuộc vào các con, bà vẫn làm việc (như trông giữ trẻ) để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Bà hi vọng đợt điều chỉnh, tăng lương vào tháng 7.2024 sắp tới sẽ tăng tiền lương hưu đối với những trường hợp có lương hưu thấp, dưới 3 triệu đồng/tháng như bà để cuộc sống bớt khó khăn, có thêm chút tiền lương hưu để trang trải cuộc sống…

Mới đây, thông tin trên báo chí cho biết Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương hưu, phân chia thành 3 nhóm đối tượng.

Theo đó, nhóm đầu tiên là những người nghỉ hưu thông thường. Với nhóm này, Bộ cho biết, mức tăng lương hưu sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu, hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau 1.7.2024.

Với nhóm những người nghỉ hưu trước ngày 1.7.2024, Nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương.

Thứ ba, với nhóm nghỉ hưu trước năm 1995, sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa.

Đây là một tin vui đối với hững người đang nghỉ hưởng chế độ hưu trí, đặc biệt là đối với những người nghỉ hưu trước năm 1995.

Thế nhưng, ngoài những người có mức thu nhập từ tiền lương hưu còn thấp trước năm 1995 thì hiện nay cũng còn rất nhiều người nghỉ hưởng chế độ hưu trí sau năm 1995 cũng có mức thu nhập từ lương hưu rất thấp, như bà Đệ.

Họ cũng mong muốn được điều chỉnh tiền lương hưu lên mức phù hợp hơn, đặc biệt là lao động nữ có thời gian làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trước khi nghỉ hưởng chế độ hưu trí.

Nên chăng, đối với những người lao động nghỉ hưởng chế độ hưu trí sau năm 1995 mà có mức thu nhập từ tiền lương hưu còn thấp, dưới 3 triệu đồng/tháng như trường hợp của chị Đệ, cần ưu tiên điều chỉnh tăng lương hưu.

Đó cũng là cách để những người nghỉ hưởng chế độ hưu trí như bà Đệ bớt gánh nặng nỗi lo cơm áo khi tuổi đã xế chiều.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn