MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với áp lực của công việc, phụ nữ rất cần sự chia sẻ của người chồng (ảnh minh họa) - Ảnh: L.T

Người sợ vợ nhất xóm trọ!

Hồng Hà LDO | 13/03/2018 06:30

“Thằng Thành là đứa sợ vợ nhất xóm trọ. Tụi bây đừng hy vọng rủ được nó đi nhậu. Nó phải về nhà nấu cơm cho vợ nó” – Mấy người đàn ông của xóm trọ tụ tập lại ở ghế đá đầu dãy phòng trọ “đá đểu” Thành khi Thành vừa đi làm về tới ngõ.

Trên xe Thành lỉnh kỉnh đồ đạc: Một bó rau muống treo ở tay lái, con cá điêu hồng vẫn còn đang giãy giụa một bên xe, thêm trái dưa hấu, mớ giá, đậu bắp, cà chua… Mấy lời “đá đểu” của anh em, Thành nghe cả nhưng chỉ cười mà chẳng nói gì.

Về tới nhà, Thành tất bật nấu cơm, làm cá, nhặt rau… 20 phút tính từ lúc Thành về, từ phòng trọ của Thành đã tỏa ra mùi chiên xào thơm phức. Xong đâu đó, Thành đóng cửa đi đón hai đứa con. Một đứa lớp 2, đứa mẫu giáo.

Gần 6g chiều, Thành đưa con về tới phòng trọ. Tắm rửa cho hai con, Thành cho con ăn cơm. Con ăn cơm xong, Thành đóng cửa dặn hai anh em ở nhà chơi, gửi phòng nhờ chị hàng xóm tốt bụng trông giúp rồi tất tả đi đón vợ. Hai vợ chồng về tới nhà đã gần 8g tối. Hai con đã ngủ, vợ chồng anh cùng ăn với nhau bữa cơm.

Việc này lặp đi lặp lại mỗi ngày, đều đặn như đồng hồ dây cót. Trừ Chủ nhật, còn lại tất cả các ngày trong tuần, đố ai rủ được anh đi nhậu, làm lai rai. Vì không rủ được Thành nên mấy anh em xóm trọ đặt cho Thành biệt danh “Người sợ vợ nhất xóm trọ”. Nhiều lúc Thành cười: “Vợ mình mình sợ, chứ sợ vợ người khác đâu mà lo” hoặc “Vợ tôi nhiều người sợ chứ riêng gì tôi sợ đâu mà ngại”…

Nói chơi vậy, chứ vợ Thành hiền khô. Hàng xóm ai cũng quý. Hai vợ chồng Thành đều là công nhân trực tiếp sản xuất, đều là người miền Trung vào Nam lập nghiệp, bén duyên với nhau, gắn bó với nhau đã gần chục năm. Những năm đầu cưới nhau, chuyện bếp núc của gia đình do vợ Thành đảm trách, tuy nhiên, 4 năm trước, sau khi vợ Thành học xong cao đẳng, lại là người nhiệt tình, làm việc năng suất nên công ty bố trí lên làm trưởng chuyền, rồi trưởng xưởng.

Từ ngày lên chức, lương của vợ Thành có cao hơn nhưng đồng nghĩa với lên chức, lương cao là vợ Thành bận rộn hơn chồng, việc nhiều hơn, trách nhiệm nặng nề hơn. Để hỗ trợ cho vợ, anh đề nghị mình sẽ thay vợ làm việc nhà. Buổi chiều về anh sẽ nấu cơm, đón con, đón vợ.

Anh đề nghị với quản đốc không tăng ca vì nhà có con nhỏ. Nhiều người cười anh bảo “nhà có con nhỏ là chuyện của vợ, mắc chi đi đàn ông đi xin”, nhưng anh cũng chỉ cười bởi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.

Chuyện anh Thành đi chợ, đưa đón con, nấu cơm… trở thành đề tài bàn tán của các anh em xóm trọ mỗi khi tập họp. Nhiều người còn tranh thủ trêu chọc anh mọi lúc. Như hôm qua, vừa về tới ngõ, đã nghe một anh hàng xóm hỏi: “Cá hôm nay ở chợ tươi không chú? Rau muống bao nhiêu một bó? Đã tăng giá chưa?...”. Đáp lại, anh trả lời từng câu, rõ ràng, đầy đủ.

Trái với cánh đàn ông, anh Thành lại trở thành “niềm ao ước” của chị em xóm trọ. Nhiều người cũng như vợ Thành, đi làm từ sáng đến 7, 8 giờ tối mới về tới nhà. Vậy mà có khi còn lao vào bếp nấu cơm, con thì khóc rấm rức vì đói, trong khi đó chồng lại bỏ đi nhậu từ lúc nào.

Vợ anh biết chuyện cả xóm bảo anh sợ vợ, thương chồng, chị đề nghị để chị làm việc nhà. Anh cười, gạt đi: “Sợ vợ cũng được, đâu có sao. Sợ vợ nhưng nhà mình tăng thu nhập, con học giỏi, cơm ăn ngon thì sợ vợ cũng đáng. Chẳng có gì phải ngại”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn