MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy Lê Thanh Liêm hướng dẫn học sinh thực hành thí nghiệm. Ảnh: NVCC

Người thầy giáo trẻ với niềm đam mê nghiên cứu khoa học

Phạm Đông - Kim Anh LDO | 29/11/2020 07:23

9 năm công tác và gắn bó với trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam (tỉnh Hậu Giang) cũng là từng ấy thời gian thầy giáo Lê Thanh Liêm miệt mài nghiên cứu, không ngừng tìm tòi sáng tạo công trình nghiên cứu khoa học trong giảng dạy.

Không ngừng tìm kiếm, sáng chế

Mới đây, tại Lễ trao giải cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục 2020 tối 14.11, 3 tác giả và nhóm tác giả đạt giải công trình xuất sắc nhận thưởng 100 triệu đồng. Đây là chương trình do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT phối hợp với các đơn vị tổ chức.

"Ứng dụng công nghệ vi điều khiển vào cải tiến đồ dụng môn Vật lý" của thầy giáo Lê Thanh Liêm là một trong 3 công trình, sáng kiến được vinh danh.

3 công trình xuất sắc đạt giải Tri thức trẻ vì giáo dục 2020. Ảnh: Dương Phan

Tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Vật lý – Tin học tại trường Đại học Cần Thơ (năm 2011), từ đó đến nay, thầy Lê Thanh Liêm đã gắn trọn thời gian công tác với trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam (tỉnh Hậu Giang). Với lòng yêu nghề, sự nhiệt tình, tâm huyết, thầy giáo trẻ đã không ngừng tìm kiếm, sáng chế, tích hợp công nghệ vào các thiết bị trong các môn học giảng dạy của mình.

Trao đổi với Lao Động, thầy Lê Thanh Liêm (SN 1989, quê ở Bình Thành, Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho biết: “Cách đây khoảng 5 năm, trong quá trình đi dạy, tôi thấy tại nhiều trường học giáo viên phải tận dụng trang thiết bị, đồ dùng đã được sử dụng trước đó khá lâu; nhiều dụng cụ dạy học không thể sử dụng được. Trong khi đó, có nhiều môn học cần phải sử dụng phương pháp trực quan, thực hành, thí nghiệm mới có thể mang lại hiệu quả”.

Trước những trăn trở đó, thầy Liêm đã ấp ủ, nghiên cứu, mày mò ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ về công nghệ cảm biến vào các trang thiết bị đồ dùng có sẵn. Mục đích của những nghiên cứu này nhằm khơi gợi niềm đam mê, hứng thú cho học sinh bằng các thí nghiệm trực quan, phù hợp với chương trình đổi mới giáo dục.

Học sinh thích thú với bài giảng thực hành bằng các thí nghiệm trực quan của thầy Liêm. Ảnh: NVCC

Thầy Liêm cho biết, công trình nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ vi điều khiển vào cải tiến đồ dùng bộ môn Vật lý” được thực hiện gấp rút cách đây 2 năm. Thời gian đầu triển khai, thầy gặp một số khó khăn như làm thế nào để đảm bảo hình thức bên ngoài, độ chính xác của các thiết bị.

Sau đó, công trình nghiên cứu của thầy Liêm được đánh giá cao bởi hiệu quả của sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu trong thực hành, có thể tiết kiệm chi phí.

Không ngừng đổi mới, sáng tạo

Hiện nay, thầy Liêm đã và đang phát triển mô hình “Câu lạc bộ Khoa học – Kỹ thuật” nhằm kết nối học sinh giữa các dân tộc trong nhà trường cũng như trong huyện và tỉnh Hậu Giang. Thầy trực tiếp tham gia các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, hướng dẫn học sinh nghiên cứu đề tài khoa học – kỹ thuật đoạt giải cấp Quốc gia.

“Nhiều năm liền tham gia nghiên cứu, tôi ấn tượng nhất với bộ đồ dùng về đo áp suất của khí quyển, áp suất của chất lỏng”, thầy Liêm chia sẻ.

Theo thầy Liêm, với sản phẩm nghiên cứu này, học sinh có thể biết được trực quan về các thông số đó, cũng hiểu được sự quy đổi ra các đơn vị khác nhau của áp suất bởi áp suất có nhiều đơn vị khác nhau.

Thầy Liêm hướng dẫn học sinh trong giờ thực hành. Ảnh: NVCC

Với thầy Liêm, mong muốn lớn nhất khi sáng tạo nghiên cứu các sản phẩm là có thể phục vụ tốt cho vấn đề giảng dạy trong chương trình hiện hành và kết nối đổi mới chương trình phổ thông năm 2018 của Bộ GD&ĐT đang thực hiện bồi dưỡng giáo viên.

“Có rất nhiều những công trình nghiên cứu đã được áp dụng, tuy nhiên với nhiều sản phẩm chúng ta phải điều chỉnh, để phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Một mỗi người khi nghiên cứu cần phải có những giải pháp mở, sản phẩm nghiên cứu phải áp dụng được với nhiều địa phương khác nhau”, thầy Liêm nói.

Công trình nghiên cứu của thầy Liêm hiện nay đang được ứng dụng trong chương trình Vật lý khối Trung học cơ sở. Trong tương lai, thầy Liêm mong muốn có thể cải tiến, sáng tạo nhiều sản phẩm hơn nữa, phù hợp với giáo dục hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn