MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người trẻ và chuyện đi nhậu: Người hào hứng, người trốn tránh

Phương Trang LDO | 26/03/2023 14:18

Vui, buồn, được tăng lương, chia tay người yêu, không có người yêu… đều có thể là lý do để nhiều người trẻ tổ chức đi nhậu với nhau.

Tuần nào Trịnh Huy H (sinh viên năm 4 một trường đại học tại Hà Nội) cũng đi nhậu với bạn bè ít nhất 2 lần.

Giải thích cho “tần suất” nhậu khá cao này, H cho biết: “Đi nhậu để thư giãn sau những giờ phút căng thẳng trên giảng đường. Học hành bây giờ cũng mệt mỏi lắm, đi nhậu với anh em cho thoải mái, lấy hứng thú để hôm sau còn học tiếp”. 

“Hội nhậu” của nam sinh này có khoảng năm người. Đôi lúc, H còn đi giao lưu với câu lạc bộ trong trường, gặp các anh chị đã ra trường.

Theo H, đây là cơ hội để H hỏi thăm về công việc của mọi người, có thể giúp ích cho mình về sau.   

Trịnh Huy H (ngoài cùng bên trái) thường đi nhậu với bạn bè. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thường H sẽ đi nhậu vào buổi tối vì có thời gian rảnh và thoải mái; còn ban ngày vẫn đi học và đi làm thêm.  

“Có lần tôi đi uống rượu với bạn bè, vì quá say nên tôi đã ngủ ngoài cửa phòng lúc nào không hay. Tôi cũng không biết làm sao tôi có thể về tới nhà được” – H kể lại.  

Biết rượu bia nhiều không tốt cho sức khoẻ, nhưng, H nói, nhiều cuộc gặp không có rượu, bia thì khó mà giãi bày tâm sự.

 H đang cố gắng hạn chế uống rượu bia đến mức ít nhất có thể để đảm bảo sức khoẻ của bản thân. 

Anh Thành Công (25 tuổi, nhân viên của một công ty ở Hà Nội) cho rằng, uống rượu bia có thể giúp tăng cường kết nối, giao lưu với với bạn bè, đồng nghiệp, nhưng không nên lạm dụng.  

“Đồng nghiệp của tôi ngày nào sau giờ tan ca cũng đi uống vài ly bia. Họ có rủ tôi đi nhưng tôi đều từ chối, chỉ có những dịp quan trọng, đi ăn với cả văn phòng tôi mới đi thôi” - anh Thành Công trải lòng.

Thu nhập mỗi tháng của anh Thành Công chỉ vỏn vẹn 7 triệu đồng. Mỗi buổi nhậu ít nhất tốn 100.000 đồng, có bữa nhậu lên tới 700.000 đồng.

Vì vậy, nếu ngày nào anh Thành Công cũng đi thì có thể cuối tháng chỉ ăn mỳ tôm qua ngày. 

“Biết uống rượu cũng là một lợi thế, nhưng theo tôi thì chúng ta nên biết kiềm chế bản thân khi uống rượu. Không nhất thiết phải uống say mềm. Tôi đã biết rất nhiều trường hợp uống rượu quá chén mà bị tai nạn giao thông” -  anh Thành Công tâm sự. 

Anh Thành Công không thích nhậu vì ghét cảm giác say xỉn, không tỉnh táo. Mỗi lần uống rượu bia, ngày hôm sau anh cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng rất nhiều tới công việc. 

Theo anh Công, mọi người nên biết điều tiết cường độ sao cho phù hợp với từng mục đích của buổi nhậu và biết điểm dừng hợp lý để có thể vừa vui mà lại giữ được an toàn cho bản thân và mọi người.

Khi có lịch giao lưu, gặp gỡ bạn bè, anh Công thường gọi xe ôm công nghệ, taxi để đi.

Việc không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống bia rượu giúp anh yên tâm hơn, đảm bảo an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông.

"Tôi được biết, các cơ quan chức năng đang ra quân xử lý vi phạm về nồng độ cồn, nếu cố tình vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm. Với một người có đồng lương ít ỏi như tôi thì càng phải chấp hành nghiêm luật” - anh Thành Công nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn