MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nguồn cung dồi dào, giá cả hàng hoá tại Cần Thơ ổn định sau tăng lương

VÂN HI LDO | 05/07/2024 11:52

Cần Thơ - Nguồn cung dồi dào khiến tiểu thương chủ động giữ giá hàng hóa ổn định, không a dua tăng giá theo cải cách tiền lương.

Theo khảo sát, hiện thị trường giá cả hàng hóa trên địa bàn TP Cần Thơ được duy trì khá ổn định, riêng đối với một số mặt hàng thực phẩm do ảnh hưởng của thời tiết hoặc trái vụ chỉ tăng ở mức nhẹ từ 3-10%.

Theo chia sẻ của các tiểu thương, giá cả hàng hóa ổn định là nhờ nguồn cung dồi dào, chất lượng tươi ngon cũng như việc duy trì giá bán để giữ chân khách hàng.

Giá các mặt hàng tại chợ truyền thống được duy trì ổn định sau khi thực hiện cải cách tiền lương 1.7. Ảnh: Bích Ngọc

Bà Trương Thị Yến (tiểu thương tại chợ Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết: "Trăm người bán, vạn người mua nếu mình tăng giá, khách chê đắt rồi mua của người khác thì mình mất khách. Trừ các loại hoa quả trái mùa, đầu vào giá cao thì tôi nâng giá lên vài nghìn đồng, còn lại vẫn giá bán theo mặt bằng chung dù tăng lương hay không".

Ghi nhận tại các khu chợ trên địa bàn TP Cần Thơ như Xuân Khánh, Tân An, Bà Bộ... các mặt hàng thịt cá, rau quả giá vẫn giữ ở mức ổn định. Thịt bò 200.000 - 250.000 đồng/kg, tôm 100.000 - 250.000 đồng/kg tùy kích cỡ, rau cải ở mức 10.000 - 12 ngàn đồng/bó,...

Thị trường hàng hóa ổn định đã giúp chị Hồ Tú Anh (một công chức tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) phần nào yên tâm, phấn khởi sau khi tăng lương.

Chị Anh cho biết: "Trước và sau khi thực hiện cải cách tiền lương tôi đi chợ giá hàng hóa vẫn bình ổn, có mặt hàng còn giảm giá như rau giảm khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg, thịt lợn giảm khoảng 8.000 - 10.000 đồng/kg… Nhờ đó, vẫn 150.000 đồng tiền chợ/ngày/3 người, tôi dư ra được khoảng 15.000 đồng mua thêm bánh, kẹo cho con”.

Thị trường hàng hóa ổn định giúp người lao động yên tâm, phấn khởi sau tăng lương. Ảnh: Bích Ngọc

Được biết, so với cấp bậc được quy định, chị Anh được tăng lương 3 năm/lần, mức tăng thêm vài trăm nghìn đồng. Việc giá cả hàng hóa duy trì ổn định sau cải cách giúp cuộc sống gia đình nữ công chức này thoải mái hơn.

Trước đó, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành 6 tháng đầu năm, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024 (ngày 12.6), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá - đề nghị các cơ quan cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình niêm yết thực hiện các chính sách, quy định về giá, trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá, không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương.

Đồng thời, cần phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát, đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, niêm yết giá tại các chợ truyền thống.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 khi thực hiện cải cách tiền lương từ 1.7.2024, mức lương cơ sở chính thức được điều chỉnh tăng thêm 30% từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn