MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ cháy nhà trọ 3 tầng tại Trung Kính, Hà Nội khiến 14 người tử vong. Ảnh: Tô Thế

Nguy cơ cháy nổ và “món nợ” của Hà Nội

Minh Hằng LDO | 25/05/2024 09:19

Năm ngoái, khi còn công tác tại Nghệ An, tôi thuê một căn hộ chung cư mini. Chung cư có 6 tầng, tôi ở tầng 3, phía hành lang đều có song sắt chống trộm. Điều đáng nói, ngay ở chân cầu thang - lối duy nhất để lên nhà thì xếp đầy xe máy. Đôi lúc tôi trộm nghĩ, nếu mà xảy ra cháy thì làm thế nào để thoát thân?

Đó cũng là thời điểm tại Hà Nội có vụ cháy kinh hoàng tại Khương Hạ (quận Thanh Xuân), vào tháng 9.2023, khiến 56 người thiệt mạng. Đó là vụ cháy gây chấn động bởi số lượng người tử vong. Đồng thời, chấn động còn ở chỗ chung cư mini trở thành nơi ở rất mất an toàn.

Sau vụ cháy ấy, lãnh đạo Hà Nội đã ra thông báo về việc xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3 tổ chức đảng tại quận Thanh Xuân liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, kiểm điểm trách nhiệm và xem xét xử lý kỷ luật đối với 28 đảng viên, trong đó có 6 đảng viên là cán bộ, nguyên cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội điều tra, xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật đối với 6 cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, để xảy ra vi phạm trong công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và trật tự xây dựng.

Ngoài ra, chủ chung cư mini là ông Nghiêm Quang Minh bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo Điều 313 Bộ luật Hình sự.

Vụ cháy ấy rõ ràng là hồi chuông cảnh tỉnh nhưng vấn đề là, làm thế nào để các khu trọ, chung cư mini an toàn hơn mới là điều đáng bàn.

Chung cư chỗ tôi trọ ở thành phố Vinh ấy, cũng sau đó, đã phải quyết định di dời toàn bộ xe máy, tháo các khung sắt, đầu tư thêm cho mỗi nhà một bình cứu hỏa. Quyết định này nhận được sự ủng hộ của cư dân.

Cho đến vụ cháy rạng sáng ngày 24.5.2024 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến 14 người thiệt mạng thì không ít người lại đặt ra câu hỏi rằng: “Trách nhiệm của chính quyền, của chủ trọ tại các căn nhà cho thuê như thế nào? Việc phòng cháy, chữa cháy liệu đã được quan tâm sau nhiều bài học đắt giá?”.

Vấn đề ở đây là người lao động, đặc biệt là người lao động nghèo, ngoại tỉnh làm công việc thời vụ tại các thành phố lớn không có nhiều sự lựa chọn. Đôi khi họ chấp nhận ở một nơi mà biết chắc là mất an toàn cháy nổ nhưng vì giá thuê vừa túi tiền, thuận tiện đi lại nên đành phó thác.

Câu chuyện hạn chế cháy nổ ở những khu nhà trọ về trước mắt phải tăng cường các biện pháp kiểm tra và giám sát an toàn cháy nổ tại các khu dân cư, các tòa nhà cao tầng, cơ sở sản xuất và các điểm nguy cơ khác. Các cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành kiểm tra và yêu cầu các cơ sở, tổ chức thiết lập các biện pháp an toàn phòng cháy. Đặc biệt, nâng cao ý thức cộng đồng, hướng dẫn cách ứng phó khi có sự cố cháy nổ được tổ chức để người dân phòng tránh.

Bên cạnh đó, đầu tư vào việc nâng cao năng lực phản ứng sự cố cháy nổ bằng cách tăng cường đào tạo cho lực lượng cứu hỏa và cung cấp trang thiết bị hiện đại, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về an toàn cháy nổ trong quá trình xây dựng và bảo trì các công trình. Kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm nghiêm túc để đảm bảo an toàn cho cộng đồng…

Nhưng về lâu dài, phải là kế hoạch đầu tư. Mới hôm 23.5, khi tiếp xúc với người lao động Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, việc thiếu nhà ở xã hội là “món nợ” của thành phố với người lao động. Tăng cường nhà ở xã hội, nhà cho thuê để quản lý cũng sẽ giảm thiểu nguy cơ hỏa hoạn.

Còn những căn nhà trọ, căn nhà cho thuê tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cũng là một “món nợ” của các cấp chính quyền Hà Nội cần giải quyết càng nhanh càng tốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn