MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy xi măng Hữu Nghị. Ảnh: B.H

Nguy cơ không có lương hưu vì công ty nợ hàng tỷ đồng bảo hiểm xã hội

Bảo Hân LDO | 07/05/2020 17:39

Gửi đơn đến báo Lao Động, ông Phạm Xuân Quý (quê xã Nhân đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) bày tỏ lo lắng khi Công ty Xi măng Hữu Nghị (tỉnh Phú Thọ) - nơi ông làm việc trước đây - không thực hiện đúng nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động khiến ông có nguy cơ không thể làm thủ tục để được hưởng lương hưu khi tuổi già.

Lo không có lương hưu khi tuổi già đến

Ông Quý phản ánh, từ năm 2004, ông làm ở Công ty Xi măng Hữu Nghị, thuộc Khu Công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Trong quá trình làm việc, ông cùng nhiều người lao động khác luôn thực hiện tốt và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, nhưng Công ty Xi măng Hữu Nghị thường xuyên thực hiện không đúng, không đủ nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật. Cụ thể, công ty trả chậm lương, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động,...

Đến tháng 11.2016, ông Quý xin nghỉ việc ở Công ty Xi măng Hữu Nghị, nhưng sau nhiều năm Công ty vẫn không hoàn thiện việc đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho ông cùng với nhiều người khác.

“Mặc dù tháng nào doanh nghiệp cũng thu tiền của người lao động nhưng không đóng cho bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Thọ (với số tiền đang nợ lên đến nhiều tỷ đồng). Việc này đã gây khó khăn cho công việc của chúng tôi khi đến làm việc ở đơn vị mới, đồng thời sẽ làm ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của chúng tôi khi hết tuổi lao động, khi đến tuổi già” - ông Quý nói.

Văn bản trả lời của BHXH tỉnh Phú Thọ. Ảnh: B.H

Bản thân ông Quý cũng rất lo sau này đến tuổi về hưu sẽ không chốt được sổ BHXH để làm thủ tục hưởng lương hưu. Ông Quý cho biết, trong suốt thời gian làm việc tại công ty, ông mất 78 tháng tham gia bảo hiểm xã hội. Vì vậy, khi ông nghỉ việc, muốn chốt sổ bảo hiểm xã hội để chuyển sáng công ty khác cũng không được.

Khi bắt đầu làm công việc mới tại một công ty của tỉnh Vĩnh Phúc, ông Quý đành phải có sổ bảo hiểm xã hội khác mà không thể nối sổ bảo hiểm xã hội cũ. “Thấy nhiều người gián đoạn đóng bảo hiểm xã hội chưa đến một năm mà việc chốt sổ, nối sổ không làm được. Vì vậy, tôi rất lo lắng sau này khi đến tuổi về hưu rồi mà vẫn không làm được thủ tục để được hưởng lương hưu” - ông Quý bày tỏ.

Cần xử lý triệt để, đảm bảo quyền lợi người lao động

Theo ông Quý, không chỉ ông mà công ty còn không đóng tiền bảo hiểm cho rất nhiều người lao động khác. 

Trong đơn trả lời ông Quý ngày 16.12.2019, Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Thọ cho biết, tính đến ngày 30.11.2019, Công ty cổ phần xi măng hữu nghị nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp là gần 6,7 tỉ đồng, trong đó Công ty Cổ phần Xi măng Hữu Nghị nợ gần 5,7 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Khai khoáng và Cơ khí Hữu Nghị Vĩnh Sinh nợ hơn 1 tỉ đồng. Theo quy định thì công ty chưa đủ điều kiện để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Một trong những đơn đề nghị giải quyết vụ việc của ông Quý. Ảnh: B.H

Ông Quý cho biết, người lao động tha thiết mong các cơ quan chức năng có những biện pháp cứng rắn đôn đốc, xử lý triệt để tình trạng nợ đọng, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội bảo hiểm y tế để người lao động có được chế độ chính đáng của mình khi hết tuổi lao động, khi đến tuổi già.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Khoa – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Hữu Nghị - cho biết, do khủng hoảng kinh tế, làm ăn thu lỗ, Công ty đã dừng sản xuất từ năm 2015. Số công nhân lao động chưa đóng được bảo hiểm từ thời điểm công ty dừng sản xuất là khoảng hơn 100 người. Hiện nay, công ty không hoạt động và người lao động cũng đã nghỉ hết.

Ông Khoa nói công ty đang tìm các nguồn thu để đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân; đồng thời, nếu người lao động nào cần chốt sổ bảo hiểm xã hội thì tạm thời ứng tiền ra đóng, công ty ghi nợ rồi sau này sẽ trả cho người lao động. Khi được hỏi về thời gian hoàn thành việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, ông Khoa chỉ nói rằng không khẳng định được vì chờ sản xuất của công ty có phục hồi hay không.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn