MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nguy cơ lộ lọt thông tin khi mua hàng online trên mạng xã hội

LƯƠNG HẠNH LDO | 27/06/2023 07:55

Phản ánh đến Báo Lao Động, nhiều người cho biết họ bị lộ thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ nhà khi mua hàng trên mạng xã hội. Điều này đã khiến khách hàng có nguy cơ phải chi trả số tiền mua 1 món hàng 2 lần và khiến chủ kinh doanh online bị mất uy tín với khách hàng.

Mua 1 món hàng thanh toán 2 lần? 

Chị L.T.H (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) đặt mua một chiếc váy trên mạng xã hội Tiktok từ ngày 22.6. Sau vài ngày chờ nhận hàng, 9h sáng ngày 26.6, người giao hàng (shipper) quen thuộc có tên Nguyễn Tiến Khen gửi hàng đến đúng địa chỉ nhà chị.

“Lần nào tôi mua hàng tại tiktok, nhận hàng về đều là anh Khen giao. Do đó, tôi và anh Khen có câu nói quen thuộc là “vẫn như mọi khi nhé” – tức là shipper để hàng ở khe cửa nhà tôi và nhắn số tiền, số tài khoản ngân hàng của anh ấy để tôi chuyển tiền” – chị H cho biết.

Tuy nhiên, sáng ngày 26.6, sau khi anh Khen vừa giao hàng rời đi và chị H đã chuyển tiền, một số điện thoại lạ tự xưng là người giao hàng mạng xã hội tiktok khu vực quận Cầu Giấy liên hệ với chị H: “Chị có phải chị L.T.H, ở số nhà…, đặt mua… không? Của chị hết 250.000 đồng, chị ra nhận đồ giúp em”.

Vừa mới nhận hàng về tay, cũng không đặt thêm đơn hàng nào khác, chị H đã gọi lại cho anh Khen để xác minh. Theo đó, anh Khen khẳng định đã giao đúng hàng đến địa chỉ của chị H, còn chị H có đặt món hàng nào khác hay không thì anh không thể biết được. 

Chị H nghi ngờ mình bị lộ lọt thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ, đơn hàng đã đặt... Do đó, chị H kiểm tra trên tiktok của mình thì nhận thông báo “cập nhật về cửa hàng: Kiện hàng đã được giao”. Lúc này, chị H mới gọi điện từ chối đơn hàng người lạ giao.

Để lại họ tên, số điện thoại cá nhân, địa chỉ để giao hàng khiến khách hàng vô tình bị “đánh cắp” thông tin khi mua hàng online. Ảnh minh họa: Lương Hạnh.

Không được may mắn khi phát hiện kịp thời như chị H, chị Nguyễn Quỳnh Duyên (phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã bị lừa với chiêu thức y hệt như trên. Theo đó, khi đặt mua hàng trên mạng xã hội facebook, chị Duyên nhận về một gói hàng toàn túi ni lông và phải thanh toán 560.000 đồng.

Trong khi đó, món hàng thực sự mà chị Duyên đặt là một chiếc váy có giá trị tương đương. Khi chị Duyên liên hệ với cửa hàng, cửa hàng khẳng định vì do đơn hàng quá tải nên gửi hàng muộn, món hàng “túi ni lông” chị Duyên nhận không phải họ gửi.

“Lúc đó tôi đặt chiếc váy này để đi ăn cưới bạn thân mà nhận về toàn rác. Tôi liên hệ lại với cửa hàng để phản ánh nhưng cửa hàng đó cũng không hề biết họ đã bị mạo danh và cũng không có chính sách giải quyết việc này cho khác hàng. Tôi thực sự rất bực mình” – chị Duyên bày tỏ.

Chủ cửa hàng dễ bị "cướp đơn", mất uy tín

Trao đổi với PV ngày 26.6, đại diễn chuỗi cửa hàng kinh doanh Phương Phan Desgin cho biết, chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, hơn 10 khách hàng đã phản ánh tình trạng họ bị gọi nhận hàng đến 2 lần trong khi chỉ đặt mua 1 lần. Nhiều khách hàng mất oan số tiền từ 300.000  – 700.000 đồng.

Theo chủ cửa hàng, cách giải quyết tình trạng này là đăng thông báo đến toàn bộ khách hàng của họ. Ngoài ra, trong mỗi buổi livestream bán hàng, nhân viên của cửa hàng đều tư vấn để khách tránh bị các đối tượng ăn cắp thông tin, lừa đảo với hình thức tương tự.

“Việc này khiến chúng tôi bị mất uy tín với khách hàng. Với các sàn thương mại điện tử, chúng tôi có thể kiểm soát đơn hàng đã di chuyển đến bộ phận nào, đã về tay khách hay chưa. Ở facebook, chúng tôi cũng dễ dàng chăm sóc khách bằng cách liên lạc trực tiếp với họ. Còn tại tiktok, không có cách nào để kiểm soát đơn hàng vì mạng xã hội này chưa cho phép chúng tôi làm điều đó” – vị chủ cửa hàng nói.

Theo anh An, chủ cửa hàng không nên bán hàng theo cách yêu cầu khách hàng để lại số điện thoại cá nhân. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Kinh doanh quần áo online nhiều năm, anh Nguyễn Văn An cho biết anh đã nghe nhiều người phản ánh về tình trạng giả mạo chủ hàng để lừa đảo khách nhận hàng. Lí giải về việc này, anh An cho rằng có thể do bài đăng trên facebook hoặc trong các buổi livestream bán hàng, các chủ cửa hàng kêu gọi khách để lại số điện thoại để được tư vấn.

Từ đó, tình trạng "cướp đơn" sẽ xảy ra, nguy hiểm hơn là các đối tượng giả mạo chủ cửa hàng lừa đảo khách hàng, bán datta để spam tin nhắn, gọi điện làm phiền.

“Khách hàng nên nhắn tin hoặc gọi điện trực tiếp với shop để chốt đơn là chuẩn nhất. Các chủ shop cũng cần cảnh báo khách hàng để tránh tình trạng này tiếp tục diễn ra” – anh An chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn