MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phụ huynh không nên để con sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều giờ trong ngày. Ảnh VT

Nguy hiểm khi để con trẻ “vùi đầu” vào điện thoại trong mùa dịch

BẠN ĐỌC NGUYỄN THỊ LOAN LDO | 25/04/2020 19:30

Mới đây, khi gọi điện thoại cho chị gái ở quê để hỏi thăm tình hình dịch bệnh ra sao, mọi người trong xóm, trong làng thực hiện cách ly xã hội để phòng ngừa sự lây lan của COVID-19 ra sao, nhưng gọi mãi, phải tới mấy bận tôi mới gặp được chị.

Khi nghe chị kể, tôi mới biết nguyên nhân tôi “khó” gặp được chị là do chiếc điện thoại của chị đã bị thằng con trai út, năm nay 5 tuổi “chiếm” mất để chơi game.

Chị tôi bảo: “Khi thằng bé đang cặm cụi chơi game, nếu có ai đó nhắn tin hay gọi điện thì nó đều gạt bỏ qua luôn, và không báo cho chị biết. Nó chiếm điện thoại hầu như cả ngày, nhiều khi bực mình, muốn đánh nó nhưng không có điện thoại là mặt nó lại xị xuống, làm mình làm mẩy không ăn uống…, nên lại phải nhường cho nó”.

Khi nghe chị gái kể về tình trạng cháu nhỏ mê và “nghiện” chơi điện thoại như vậy, tôi đã “quán triệt” rồi nói chị không được chiều con như vậy, bởi một khi quá sa đà, đam mê vào điện thoại và các trò game thì trẻ sẽ sinh lười biếng, chểnh mảng việc học hành, để rồi kết quả học tập sẽ không tốt.

Đó còn chưa nói tới hậu quả khác nữa, đó là trẻ “dán” mắt vào màn hình điện thoại với thời lượng lớn, thường xuyên chắc chắn sẽ khiến thị lực của chúng bị giảm, bị cận thị…

Thực ra thì không riêng gì chị gái mình chiều con không đúng cách khi để chúng tối ngày “vùi đầu” vào điện thoại của bố mẹ như kể trên, mà trong những tháng nghỉ dịch COVID-19, tôi thấy có không ít gia đình cũng rất sai lầm khi để cho con cái mình “giết thời gian” bằng cách cho chúng sử dụng điện thoại, máy tính bảng để chơi games, lướt mạng xã hội…

Chẳng đâu xa, gia đình hàng xóm kế bên nhà tôi là ví dụ, khi hai vợ chồng trẻ hầu như ngày nào cũng “nhường” cho cu cậu 6 tuổi, và bé gái gần 4 tuổi những chiếc điện thoại smartphone của mình để chúng chơi gì tùy ý muốn.

Thậm chí, nhiều khi cha mẹ các bé muốn lấy lại điện thoại để gọi điện, hay đọc tin tức một lúc, thì cũng phải “nịnh” thì chúng mới chịu đưa.

Vì là chỗ hàng xóm thân tình, nhiều lần tôi cũng “góp ý” với hai vợ chồng gia đình này, nhưng họ dường như không tiếp thu. Có lần chị vợ bảo với tôi thế này: “Kệ cho chúng chơi chị à, bởi có điện thoại là chúng ngoan, không quấy, không nghịch ngợm gì cả… Mai mốt chúng lớn thêm thì dạy sau, tính sau đi…”.

Tôi thấy, suy nghĩ của người phụ nữ hàng xóm như vậy thật là ấu trĩ, nếu không muốn nói là rất nguy hiểm, bởi người xưa từng bảo “dạy con từ thuở còn thơ…”, nên lúc con còn trẻ mà không dạy dỗ uốn nắn cho nó có nếp thì lớn lên đâu có dễ bảo, và nó chẳng khác nào lúc còn cây măng mềm mại không uốn, khi thành cây tre cứng cáp rồi thì đâu có uốn nổi theo ý mình nữa…

Trong khi các em nghỉ học ở nhà, nhất là các em nhỏ, các bậc phụ huynh cần phải hết sức nghiêm khắc không cho con tiếp xúc, sử dụng điện thoại thông minh, hay các thiết bị điện tử khác, bởi như đã nói một khi trẻ tiếp xúc, chúng sẽ dễ bị “nghiện” dẫn tới nhiều hậu quả khó lường về học tập, sức khỏe, tinh thần, thể chất…

Chính vì vậy, thay vì chiều con bằng cách trao cho con điện thoại của mình, cha mẹ hãy bắt con phải học tập, ôn luyện bài vở, giúp đỡ việc nhà, rèn luyện thân thể… để chờ khi hết dịch sẽ trở lại trường học với tinh thần, sức khỏe tốt nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn