MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều lối đi tự mở trái phép cắt ngang các tuyến đường sắt tại Hà Nội. Ảnh: Nhật Minh

Nguy hiểm rình rập tại những lối đi tự mở cắt ngang đường sắt ở Hà Nội

Nhật Minh LDO | 23/12/2023 16:14

Hà Nội - Dọc đường sắt trên phố Lê Duẩn (Hai Bà Trưng) và đường Giải Phóng (Hoàng Mai) xuất hiện nhiều lối đi cắt ngang đường ray tự phát trái phép. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất cập cho các phương tiện lưu thông qua đây.

Là người dân sinh sống gần khu vực đường Lê Duẩn, anh Lê Hồng Định (32 tuổi) cho biết, địa bàn này có đông dân cư sinh sống và người dân thường tự mở thêm các lối cắt ngang đường ray để tiết kiệm thời gian di chuyển. Những lối đi này đã xuất hiện trong thời gian dài và dần trở thành đường đi cố định của nhiều phương tiện.

Anh Định từng nhiều lần bắt gặp các phương tiện chở hàng cồng kềnh phải chật vật để lưu thông qua đây bởi đoạn đường đi dốc, gồ ghề.

“Các phương tiện qua lại tự do tại các lối đi tự phát này. Vì không có rào chắn hay người kiểm soát tại đây nên khu vực này rất dễ xảy ra tai nạn, nhất là vào buổi tối” - anh Lê Hồng Định lo ngại.

Phương tiện chật vật lưu thông qua lối đi cắt ngang đường sắt. Ảnh: Nhật Minh

Bà Nguyễn Thị Tuyết (64 tuổi, Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trước đây một vài lối đi tự phát đã bị xoá bỏ, tuy nhiên sau đó "đâu lại vào đấy". Bà Tuyết cho rằng, việc mở lối đi trái phép bừa bãi sẽ gây mất kiểm soát an toàn giao thông.

“Những lối đi này lồi lõm khiến người dân đi qua gặp nhiều bất lợi, nếu lúc đó có tàu hoả tới thì khó trở tay kịp” - bà Tuyết nói.

Theo ghi nhận của Lao Động ngày 23.11, dọc hệ thống đường sắt kéo dài trên phố Lê Duẩn, Giải Phóng xuất hiện nhiều lối đi từ các ngõ ra đường lớn, cắt ngang đường ray.

Đây là đoạn đường cố định của nhiều người dân sinh sống tại khu vực. Ảnh: Nhật Minh

Tại những lối đi này không có hệ thống đèn tín hiệu, rào chắn hay người đứng gác mà chỉ có biển báo sơ sài, không đảm bảo an toàn.

Những lối đi không có hệ thống đèn tín hiệu, rào chắn và chỉ có biển báo tạm bợ. Ảnh: Nhật Minh

Những đoạn cắt ngang đường sắt chỉ được lấp bằng đá hoặc bê tông tạm bợ, không bằng phẳng. Thậm chí, nhiều đoạn bê tông đã bị vỡ, gây khó khăn cho phương tiện qua lại.

Lối đi cắt ngang đường ray được lấp bằng đá, bê tông, không đảm bảo an toàn. Ảnh: Nhật Minh

Những con ngõ nhỏ tại phố Lê Duẩn đều có lối đi tự mở để dẫn ra đường lớn. Tầm nhìn tại khu vực này bị hạn chế, dễ gây tai nạn.

Tầm nhìn của các phương tiện đi ra từ ngõ bị hạn chế, tiềm ẩn nguy hiểm. Ảnh: Nhật Minh

Mới đây, vào rạng sáng ngày 22.12, một vụ va chạm giữa tàu khách và hai người phụ nữ đi xe máy đã xảy ra tại lối đi tự mở thuộc thôn Văn Giáp, xã Văn Bình (huyện Thường Tín). Vụ tai nạn đã khiến 2 nạn nhân tử vong tại chỗ, xe máy bị hư hỏng.

Theo thống kê của Tổng công ty đường sắt Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra 68 vụ tai nạn đường sắt. Đáng chú ý trong đó 31 vụ xảy ra tại lối đi tự mở, chiếm tỷ lệ 46%.

Căn cứ theo Điểm a, Khoản 4, Điều 51 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt các hành vi về vi phạm quy định bảo vệ công trình đường sắt, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với cá nhân và từ 20 - 40 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện các hành vi: Tự mở lối đi qua đường sắt; Khoan, đào, xẻ đường sắt trái phép; Tháo dỡ, làm xê dịch trái phép ray, tà vẹt, cấu kiện, phụ kiện, vật tư, trang thiết bị, hệ thống thông tin tín hiệu của đường sắt... Ngoài ra, cá nhân hoặc tổ chức vi phạm phải khắc phục hậu quả, khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

This browser does not support the video element.

Người dân lưu thông qua những lối lối đi cắt ngang đường ray tự phát. Video: Nhật Minh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn