MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Văn Cuông (Ảnh: Xuân Hải)

Nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông “bắt bệnh” vì sao phát hiện tham nhũng còn ít

Xuân Hải LDO | 27/09/2017 14:00
“Việc phát hiện tham nhũng qua công tác tự thanh tra, kiểm tra nhiều năm nay vẫn là khâu rất yếu”. Đây là nhận định của Ủy ban Tư pháp khi thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 19.9.

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội, qua khảo sát của UBTP tại một số tỉnh, thành phố cho thấy, chỉ có 1 tỉnh (Long An)/6 tỉnh, thành phố được khảo sát phát hiện được tham nhũng qua công tác tự kiểm tra nội bộ; trên toàn quốc phát hiện được 15 vụ với 21 đối tượng.

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho rằng, hiện dư luận băn khoăn nhiều về việc các vụ tham nhũng bị phát hiện ít so với thực tế và ít bị xử lý hình sự, các vụ việc bị phát hiện chủ yếu đối với cán bộ cấp cơ sở.

Ông Cuông cho rằng, qua các vụ án phát hiện tham nhũng đã phát hiện ra hiện nay đang điều tra, truy tố cho thấy tình hình tham nhũng đang rất nghiêm trọng, tham nhũng tới nghìn tỷ đồng, có cả đường dây, nhóm lợi ích móc nối với nhau rất tinh vi và phức tạp. Các đối tượng tham nhũng đa số trong các vụ án đang bị xử lý đa phần có chức vụ cao, mối quan hệ phức tạp nên khó bị phát hiện.

Nói về việc phát hiện tham nhũng qua công tác tự thanh tra, kiểm tra còn yếu, ông Cuông thẳng thắn chỉ ra rằng, do công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa đồng bộ về pháp luật. Hơn nữa, đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra chưa tinh thông, cần phải thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để bắt nhịp với thực tế.

Tội phạm tham nhũng có mối quan hệ chức quyền, thế lực, thêm vào đó, đội ngũ thanh tra hiện nay hoạt động không được độc lập. Vì vậy, sẽ dẫn đến nhiều khi thanh tra có kết luận rất thẳng thắn nhưng khi xử lý lại rất nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, những qui định pháp luật về phòng chống tham nhũng còn chung chung nên khó khăn trong xử lý.

Theo ông Cuông, mới đây, nhiều vụ án tham nhũng bị phát hiện đã “sờ gáy” đối với cả một số cán bộ cao cấp và đưa ra truy tố hàng loạt đối tượng có chức quyền, bước đầu đã tạo khí thế trong công tác phòng chống tham nhũng và lấy lại được niềm tin trong nhân dân.

Ông Cuông đề nghị, để công tác phòng chống tham nhũng được hiệu quả, cần tập xử lý thật nghiêm khắc tất cả các vụ án tham nhũng để làm bài học kinh nghiệm cho các ngành, các địa phương, từ đó sẽ có sự lan tỏa, chuyển động từ trên xuống dưới.

“Một trong những biện pháp để ngăn chặn tham nhũng là phải có chế tài mạnh và quyết liệt làm từ trên xuống dưới mới tốt được. Nên chăng, cần đội ngũ phòng chống tham nhũng chuyên sâu, quyền lực mạnh và hoạt động độc lập, có như vậy công tác phòng chống tham nhũng mới hiệu quả” – ông Cuông nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn