MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Áp lực công việc, chế độ đãi ngộ thấp là những nguyên nhân khiến người lao động nghỉ việc. Ảnh minh hoạ: Minh Hương.

Nguyên nhân do đâu người lao động nghỉ việc?

Mạnh Cường LDO | 24/08/2023 06:49

Áp lực công việc, chế độ đãi ngộ thấp, người quản lý gây khó dễ và môi trường làm việc chưa phù hợp là những lý do chính khiến người lao động nghỉ việc.

Chị Vương Thị Yên (nhân vật đề nghị thay tên, 28 tuổi) - nhân viên văn phòng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, sau gần 3 tháng làm việc, chị đã quyết định nghỉ việc. Lý do bởi người quản lý phụ trách công việc mới của chị đưa ra rất nhiều quy định khắt khe.

“Đôi lúc, tôi vô tình quên xóa khoảng cách cuối đoạn văn, viết sai một lỗi chính tả hay quên một thao tác nhỏ cũng bị trừ tiền. Tháng nào cũng trừ 5 đến 15% thu nhập do các lỗi này” - chị Yên tâm sự.

Bên cạnh đó, chị Yên cho biết, số lượng văn bản khá nhiều khiến chị không có thời gian để xem xét, soát lỗi kỹ lưỡng trước khi gửi đi. Thời gian trên văn phòng chỉ đủ để viết số bài theo yêu cầu, thời gian soát lại chủ yếu làm ở nhà.

Ngoài ra, cũng không ít lần chị Yên bức xúc, nản lòng khi quản lý từ chối về những ý tưởng mới. Đến khi ý tưởng được duyệt thì lại bị sửa liên tục nội dung, chị Yên đành ngậm ngùi ngồi viết lại dẫn đến chậm deadline ảnh hưởng đến kết quả công việc cuối tháng.

“Tôi có vài người bạn cũng làm công việc giống nhau nhưng ở công ty khác. Họ cũng chịu áp lực như trên nhưng mỗi ngày chỉ được yêu cầu thực hiện 2 bài nội dung trong khi tôi phải viết đến 4 bài. Thậm chí, lương của họ được 10 triệu đồng/tháng còn tôi chỉ được 8 triệu đồng/tháng. Đây chính là lý do tôi nghỉ việc", chị Yên nói.

Chị Trần Thị Tuyết (21 tuổi) - công nhân may tại Nam Định chia sẻ có 2 lý do chính khiến chị quyết định nghỉ việc. Đầu tiên, tổ trưởng thường xuyên gây áp lực về năng suất mỗi khi đi họp về.

“Cứ mỗi lần đi họp với quản đốc về, tổ trưởng lại yêu cầu chúng tôi phải đẩy nhanh hàng ra. Một tháng có 26 ngày thì phải đến 20 ngày, chúng tôi tăng ca thêm ít nhất 30 phút mà không có tiền hỗ trợ” - chị Tuyết nói.

Với chị Tuyết, đôi khi tổ trưởng yêu cầu làm các mã hàng mới, khó chỉ người có nhiều kinh nghiệm mới làm được. Việc này khiến năng suất của nữ công nhân không cao, hàng ra chậm nên thường xuyên bị mắng. “Trong công việc không có chuyện nhân nhượng, nhiều người lớn tuổi hơn tổ trưởng cũng bị mắng” - chị Tuyết kể.

Chị Tuyết xin nghỉ việc do người quản lý gây khó dễ và đơn giá thấp khiến thu nhập giảm sút. Ảnh: NVCC.

Lý do thứ hai được chị Tuyết chia sẻ là tháng vừa rồ,  công ty khó khăn trong việc tìm khách hàng nên đã hạ đơn giá của công nhân xuống. Nữ công nhân cho rằng, chính sách này của công ty không nghĩ đến lợi ích người lao động khiến chị rất khó chịu và không muốn đồng hành lâu dài.

“Mỗi mã hàng bị hạ đơn giá từ 10% đến 30%, làm cả ngày vất vả ra được 300 đơn hàng nếu trước đây được 300.000 đồng thì nay chỉ còn 250.000 đồng. Thu nhập tháng trước, tôi được 8,5 triệu đồng, tháng này xem bảng lương được 7,3 triệu đồng” - chị Tuyết nói.

Còn theo anh Dương Tấn Phát (31 tuổi) - Trưởng phòng Marketing tại quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân người lao động nghỉ việc không hoàn toàn phụ thuộc vào người quản lý mà ở chính bản thân họ.

Ở công ty anh, phần lớn các nhân sự nghỉ việc đều là các bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z. Theo anh Phát, các bạn trẻ mới ra trường thường có cái tôi khá cao đồng thời quá tự tin về năng lực bản thân.

“Rất nhiều lần các bạn đã cãi lại tôi, luôn cho rằng những việc đang làm là đúng. Các bạn ấy chưa có nhiều kinh nghiệm nên chưa phán đoán được kết quả sau này khi làm việc theo cảm quan. Khi tôi nói, giải thích lại bị coi là không tôn trọng ý kiến nhân viên” - anh Phát chia sẻ.

Anh Phát cho biết, bản thân đã khá bất ngờ khi tuyển vào 2 bạn trẻ mà chưa đầy 1 tháng đã nộp đơn xin nghỉ việc. Theo vị trưởng phòng, bước ra ngoài xã hội với những quy định ràng buộc khiến các bạn trẻ cảm thấy bị gò bó, khó chịu.

“Nhiều bạn trẻ chưa phải lo lắng về tiền bạc nên luôn có tư tưởng không thích thì nghỉ, đứng núi này trông núi nọ. Hoặc thấy bên nào giới công việc nhàn nhưng lương cao hơn là xin nghỉ trong khi chỉ vào làm mới thấy hết được sự bất cập” - anh Phát cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn