MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm các chuyên gia từ Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, có đến 24% sinh viên ra trường làm trái ngành. Ảnh minh hoạ: Lương Hạnh.

Nguyên nhân nhiều người trẻ ra trường làm trái ngành học

Mạnh Cường LDO | 23/03/2023 10:33

Theo kết quả nghiên cứu của nhóm các chuyên gia từ Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, có đến 24% sinh viên ra trường làm trái ngành. Vậy nguyên nhân là gì? 

Theo học ngành quản lý Nhà nước nhưng chị Nguyễn Thị Diệu Linh (25 tuổi, trú tại Quận Cầu Giấy) lại "rẽ" sang bán hàng.

Bởi sau khi ra trường chị đã quyết định lấy chồng sớm, sinh con, ở nhà giúp chồng bán phụ kiện điện thoại.

Chị Linh khó xin việc do chuyên ngành học có ít cơ hội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau hai năm làm nội trợ, nhiều lần chị Linh cũng suy nghĩ về tấm bằng đại học của mình. Tuy nhiên, khi đi xin việc thì cơ hội lại rất hạn hẹp và khó khăn.

"Ngành nghề tôi theo học chủ yếu làm trong cơ quan nhà nước trong khi tôi lại không có mối quan hệ và ít kinh nghiệm" - chị Linh nói.

Vì thế, chị Linh tiếp tục quay trở về công việc bán phụ kiện điện thoại cùng với chồng. Chia sẻ về dự định trong tương lai, chị Linh cho biết sẽ tìm kiếm công việc khác nhẹ nhàng, phù hợp với người đã có gia đình như chị.

Chị Ngô Thị Thúy (23 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) theo học ngành Xã hội học của trường Đại học Công Đoàn để đáp ứng nguyện vọng của bố mẹ.

Bởi bố mẹ đang làm trong cơ quan nhà nước nên chị Thuý sẽ có cơ hội việc làm ổn định hơn.

Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, chị Thúy đã quyết định không về quê làm việc theo lời bố mẹ mà ở lại thủ đô làm nhân viên Content Marketing (tiếp thị nội dung). Sau hơn 1 năm cố gắng, chị đã được đề bạt lên chức trưởng nhóm Content.

"Hạnh phúc là được làm công việc thực sự yêu thích. Như thế, mỗi ngày đi làm đều ngập tràn niềm vui cũng như giúp mình nhiệt huyết để nhanh chóng thành công" - chị Thúy bày tỏ quan điểm.

Còn anh Phạm Minh Quang (23 tuổi, Nam Định) do ngưỡng mộ nghề giáo viên nên đã quyết định thi vào trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

Ra trường làm được nửa năm anh phải dừng lại chuyển sang lĩnh vực truyền thông bởi… lương không đủ sống.

Những tưởng khi ra trường sẽ dễ xin việc trong cơ quan Nhà nước bởi tỉnh nhà ở miền núi, nhân lực đang rất hiếm nên Giàng Thị Chu (29 tuổi, Điện Biên) đã quyết định theo học chuyên ngành quản lý hoạt động văn hóa - tư tưởng. Tuy nhiên, sau khi ra trường, nữ sinh này đã hoàn toàn vỡ mộng.

"Sau 4 năm đại học, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Tôi không thể xin vào cơ quan nhà nước với lĩnh vực mình đã theo học" - chị Chu nói.

Tuy làm trái ngành nhựng chị Chu rất vui vẻ với công việc, cuộc sống hiện tại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau đó, chị Chu tìm đến công việc kỹ sư chất lượng sản phẩm ở Bắc Ninh. Lý do chị Chu theo đuổi ngành này có 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, vị trí, công ty chị đang làm các quản lý, lãnh đạo đều là người Trung Quốc nên chỉ tuyển những người biết tiếng Trung. Thật may, đây lại là lợi thế của chị tích lũy được trong quá trình học tập.

Thứ hai, bốn năm gắn bó với thủ đô, chị Chu đã yêu sự nhộn nhịp, ồn ào và tấp nập nơi đây. Bắc Ninh cũng rất phát triển lại gần với Hà Nội nên thường xuyên chị cùng bạn bè vào thủ đô vui chơi.

Thứ ba, do có lợi thế về tiếng Trung và kỹ năng giao tiếp tốt nên công việc của chị phát triển khá nhanh. Hiện tại, mức lương của chị đã cao hơn rất nhiều so với công việc văn phòng của các bạn đồng trang lứa khác.

Hiện tại, chị Giàng Thị Chu đã kết hôn, lập gia đình cùng một đồng nghiệp người Trung Quốc trong công ty và khá hài lòng với công việc, cuộc sống đang có.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn