MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chữ Quang bằng Hán tự, biểu thị sự quang rạng trong mùa xuân. Ảnh: Nguyên Đức

Nguyên tiêu, 15 ngày đầu tiên đất trời thay đổi và xuân quang

Nguyên Đức LDO | 15/02/2022 12:50

Hôm nay Nguyên tiêu, mốc đánh dấu mười lăm ngày đầu tiên khí trời thay đổi, sắc trời thay đổi, noãn khí bao la, sinh khí bảo toàn. Cảnh trời đất tâm tình ấy, từ lâu đã được người xưa đúc kết bằng hai chữ: Xuân quang!

Những ngày Tết đã nhanh chóng đi qua, trời đất giao hòa đi vào năm mới. Cảm xúc con người theo đó cũng thay đổi, vơi đi nỗi ưu tư lo lắng của ngày đông giá buốt, tận hưởng hương vị mùa xuân đầy sức sống. Cảnh trời đất tâm tình ấy, từ lâu đã được người xưa đúc kết bằng hai chữ: Xuân quang.

Nói đến ánh sáng và bóng tối, có thể khẳng định, đây là chủ đề mà ngôn ngữ con người từ xưa đến nay, từ đông sang tây luôn ưu tiên nhắc đến. Từ câu chuyện ngọn lửa Promete trong thần thoại Hy Lạp, cho đến luận lý âm dương bát quái ngũ hành của văn hóa phương Đông, ánh sáng và bóng tối luôn được con người quan tâm, chú mục.

Phải chăng đây là nguyên nhân để trong dòng ngôn ngữ cổ, từ vựng liên quan ánh sáng và bóng tối cũng rất nhiều; và đặc biệt hơn, những từ dùng này lại gắn kết với nhịp điệu mô tả những thời khắc, khí tiết đất trời tương xứng?

Tiếng Việt, ảnh hưởng chữ Hán trong ngữ nghĩa diễn đạt, xưa nay cũng có không ít ưu ái cho từ dùng liên quan ánh sáng và bóng tối.

Với bốn mùa tự nhiên, người xưa cũng đúc kết nên bốn chữ phổ biến: Xuân quang, hạ minh, thu huy, và đông hy. Bốn từ dùng này, chỉ vào những mức độ ánh sáng phù hợp bối cảnh và tâm tình.

Mùa hạ rực rỡ, ánh sáng chói chang, thích hợp với hình ảnh cả mặt trăng mặt trời chiếu tỏ, dùng chữ Minh (明) hội ý chữ Nhật (日mặt trời) và chữ Nguyệt (月mặt trăng), nghĩa là ánh sáng, rất chính xác.

Mùa thu, ánh sáng dịu nhẹ, dùng chữ Huy (輝) có nghĩa đốm sáng là hợp lý. Mùa đông rét mướt, ánh sáng bị gói buộc trong phạm vi giá băng, lấy chữ Hy (熙) là tia sáng, thật sự tương thích.

Còn mùa xuân, khi mọi phong vật trở lại khởi sắc, được chiếu tỏ rõ ràng, gợi nên tinh thần phát triển, lấy chữ Quang (光) để chỉ rõ, quả là không có gì thích hợp hơn.

Chữ Quang, vốn được vẽ tượng hình một người đứng, trên đầu có ánh sáng tỏa ra, hàm nghĩa một người trong bóng tối, cầm cây đuốc đưa cao lên để thấy rõ mọi vật xung quanh, ấy là soi sáng, nguồn sáng.

Chữ Quang, theo đó diễn tả ánh sáng vừa phải, tương hợp với xung quanh, đủ soi tỏ mọi thức chứ không quá rực rỡ như dưới ánh mặt trời.

Nên tả cảnh mùa xuân, mùa khởi đầu cho một chu kỳ tuần hoàn mới trên mặt đất, người xưa dùng chữ xuân quang, gá đủ vào trong cả tâm tình con người phơi phới lẫn bối cảnh trời đất tự nhiên sinh sôi nảy nở.

Ánh sáng xuân quang, như thế vượt hơn sự huy hoàng của ngày thu, xác lập sự hy vọng trong đêm đông mà định vị, dẫn đến cảnh minh mẫn của ngày hạ!

Hôm nay Nguyên tiêu, mốc đánh dấu mười lăm ngày đầu tiên khí trời thay đổi, sắc trời thay đổi, noãn khí bao la, sinh khí bảo toàn. Mùa xuân đã thực sự trở lại, khiến con người thêm gợi nguồn cảm hứng để định vị, tìm kiếm những cơ hội mới, sự kiện mới mà hy vọng hoán chuyển tình hình, thúc đẩy lộ trình phát triển mạnh mẽ hơn cùng năm mới.

Mùa xuân này, lại là thời điểm đặc biệt, mở ra một khung cảnh cuộc sống tươi mới, sau những tháng dài u ám bởi tật bệnh đe dọa. Thời khắc mới đang mở ra với mọi người mọi nhà, khi ánh sáng mùa xuân bắt đầu lan tỏa.

Những lo lắng dần nhạt phai, con người tự tín có lại niềm vui lạc quan về một ngày mai sẽ rạng rỡ hơn. Trong tình cảnh ấy, dư vị mùa xuân với ánh sáng tươi tắn, tỏ tường, thật sự khiến lòng người ấm áp, sảng khoái nhìn lên trời cao. Ngời ngợi xuân quang!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn