MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các em học sinh ở Kon Tum tập trung học bài ở nhà rông. Ảnh T.T

Nhà rông Tây Nguyên thành "trường học" của học sinh vùng cao

THANH TUẤN LDO | 14/10/2021 18:00

Những mái nhà rông ở Tây Nguyên vốn là nơi dân làng tụ họp, sinh hoạt văn hóa, bây giờ trở thành nơi các em học sinh vùng cao nghèo tìm đến để học bài. Do dịch bệnh COVID-19 nên một số địa bàn xa xôi, các em và thầy cô giáo chưa thể trở lại trường lớp học trực tiếp.

Năm học mới 2021-2022, toàn tỉnh Kon Tum có trên 164.300 học sinh từ mầm non đến THPT, trong đó, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số hơn 92.000 em. Sau khi có chủ trương việc thay đổi linh hoạt giữa học bài trực tuyến và trực tiếp, nhiều em học sinh vùng cao huyện Đăk Glei đã tụ họp về mái nhà rông truyền thống từ bao đời nay để học bài.

Nhà rông truyền thống ở huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Ảnh T.T

Tờ mờ sáng, em A Khun (14 tuổi) thức dậy nấu đồ ăn bỏ vào hộp, sau đó lội bộ hơn 2 cây số đường rừng đến điểm nhà rông làng Đăk Ung, huyện Đăk Glei. Tại đây, Khun được thầy cô giáo đo thân nhiệt, sắp xếp vào lớp học với khoảng 12 em học sinh khác. Các em chia thành từng nhóm học bài.    

Nhà rông của người đồng bào rộng chừng 20m2, đủ để các em xếp hàng dài giãn cách. Sàn nhà được làm bằng gỗ lim, táu kiên cố, trần nhà cao được lợp bằng cỏ tranh che chở mưa gió, cho các em thêm yên tâm trau dồi kiến thức.

“Học bài ở nhà rông em thấy yên tĩnh, thoải mái như ở trường lớp. Có thầy cô giáo và bạn bè để trao đổi bài toán khó, bàn học hơi thấp một chút nhưng cũng không ảnh hưởng lắm đến việc học”, em A Khun chia sẻ.

Nhà rông trở thành trường lớp của các em học sinh vùng cao. Ảnh T.T

Cô Nguyễn Thị Hạnh – giáo viên bộ môn Lịch sử trường Tiểu học và THCS Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei cho biết, ở vùng núi cao không có sóng di động, các em thiếu thiết bị học nên phải di chuyển ra các nhà rông của làng hoặc nhà văn hóa xã. Tại đây, thầy cô mang bàn ghế nhựa, gắn vội tấm bảng đen vào để giảng bài cho các em.

Điều kiện không như ở trường lớp, vì mặt bàn bằng tre nứa gồ ghề, ghế ngồi thấp nên có em phải khom lưng chép bài, nghe giảng. Thầy cô phải tìm cách linh hoạt để khắc phục khó khăn, động viên các em cố gắng. Nhiều thầy cô giáo hàng ngày phải đi xe máy hơn 20 cây số vào các điểm làng, thôn buôn, mang theo cuốn tập, sách vở để dạy bài cho các em.

Bà Phạm Thị Trung – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum – cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhà trường và thầy cô luôn linh hoạt điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp, trực tiếp hoặc trực tuyến, với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Các điểm làng văn hóa, nhà rông trở thành trường lớp của các em. Đơn vị đang vận động các nhà tài trợ để hỗ trợ sóng di động, thiết bị phương tiện học qua mạng cho thầy cô và học sinh, trên tinh thần không để ai phải bỏ lại phía sau.  

Hiện, ở Kon Tum do dịch bệnh nên nhiều em học sinh vẫn đang lưu trú ngoại tỉnh, chưa thể trở về với số lượng trên 400 em. Sở  GDĐT Kon Tum đã vận động thầy cô giáo tình nguyện tham gia “giờ học yêu thương”, thầy cô sẽ dạy các tiết học qua mạng cho các em từ lớp 1 đến lớp 12. Bước đầu đã có gần 500 thầy cô giáo tham gia chương trình giảng dạy này. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn