MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình cảm tri ân của học sinh cần được hình thành một cách tự nhiên. Ảnh minh họa: LDO

Nhà trường không nên tổ chức lễ tri ân giáo viên

QUANG ĐẠI LDO | 20/05/2023 09:22

Nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tổ chức lễ tri ân các thầy cô giáo một cách phô trương, hình thức.

Chị Nguyễn Hồng Nhung (36 tuổi, trú TP Vinh, Nghệ An) có con học lớp 5 phản ánh: Vào những ngày cuối năm học, hội trưởng phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm lớp đề nghị đóng tiền để tổ chức lễ tri ân giáo viên.

Cụ thể đề nghị phụ huynh góp mỗi em 385.000 đồng, để chi cho các khoản: quà tặng nhà trường, quà ban giám hiệu, các cô giáo bộ môn lớp 5, các cô chủ nhiệm từ 1- 4 của từng lớp, chi phí ăn uống cho khách mời... Hoạt động này xuất phát từ chỉ đạo của ban giám hiệu nhà trường.

Đó là hoạt động chung của trường, các lớp còn tổ chức riêng nữa, lại phải nộp thêm. Ngoài ra, nhiều lớp cuối cấp THCS, THPT còn tổ chức liên hoan lớp, chụp ảnh kỉ yếu rất tốn kém, với chi phí hàng triệu đồng/em.

Bên cạnh những phụ huynh đồng thuận, có những phụ huynh gia đình còn nhiều khó khăn dù không muốn nhưng cũng phải chấp nhận tham gia vì sợ ảnh hưởng đến con.

Nhiều phụ huynh cho biết, từ đầu năm đã phải nộp nhiều khoản tiền như học phí, quỹ lớp, tiền xã hội hóa, tiền đồng phục, bảo hiểm, gửi xe...đến cuối năm lại phát sinh thêm một khoản thu, làm phụ huynh nghèo thêm vất vả.

Đặc biệt, các lớp cuối cấp lịch học thêm dày kín, chi phí cho việc học thêm, thi thử rất tốn kém, gấp nhiều lần học phí theo quy định của nhà nước.

Nhìn nhận từ góc độ lịch sử và nguyên lý giáo dục, nhà giáo, nhà báo Lê Văn Vỵ (Hà Tĩnh) cho rằng, trong cả mấy chục năm đi dạy, ông không hề thấy các nhà trường, các lớp tổ chức lễ tri ân giáo viên.

Có chăng là cuộc liên hoan cuối năm, thầy trò chụp chung tấm ảnh kỉ niệm. Hoạt động với tên gọi “lễ tri ân” mới diễn ra vài năm gần đây, ngày càng phổ biến, mang tính hình thức và tạo thêm gánh nặng đóng góp cho phụ huynh.

“Đối với giáo viên, giảng dạy và giáo dục là công việc làm công ăn lương, đồng thời là trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm. Kể cả dạy miễn phí, người thầy càng không bao giờ yêu cầu học sinh tổ chức lễ tri ân mình” - nhà giáo Lê Văn Vỵ chia sẻ.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, tính nhân văn là nền tảng, gốc rễ và mục đích của giáo dục. Do đó, nhà trường không nên tổ chức các hoạt động làm phiền hà, tốn kém cho gia đình học sinh. Bên cạnh đó, thầy cô cần giáo dục cho các em ý thức tiết kiệm, thực tế.

Đương nhiên cần giáo dục cho học sinh về lòng biết ơn, tình cảm và trách nhiệm đối với gia đình, nhà trường, xã hội. Tuy nhiên, tình cảm tri ân cần được biểu hiện ở ý thức phấn đấu học hỏi, vươn lên, trở thanh công dân tốt, đóng góp cho xã hội.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua đã có hiện tượng lợi dụng hoạt động tổ chức lễ tri ân trong nhà trường. Do đó, cần xem xét bãi bỏ hoạt động mang tính hình thức này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn