MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: Trần Tuấn.

Nhận biết con em nghiện game để ngăn chặn tai họa

Thế Lâm LDO | 12/06/2020 16:30

Cái chết thương tâm của bé trai 5 tuổi H.T.V.Đ (xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) do bị nghi phạm Đ. N. H ở cùng xã bắt mang đi giấu trong rừng, một lần nữa lại làm dấy lên nỗi lo về căn bệnh nghiệm game online và những hệ lụy của nó.

Và cũng không còn chỉ dừng lại ở mức hệ lụy đối với bản thân con nghiện, hậu quả của căn bệnh gây ra rất nghiêm trọng đối với cả những người khác.

Hậu quả đó, không chỉ nạn nhân và gia đình người thân phải gánh chịu; mà cả người thân của nghi phạm, cũng sẽ không thoát khỏi cảm giác đau đớn, tội lỗi bởi tai họa do con em mình gây ra.

Nghi phạm gây ra tội thì sẽ có pháp luật xử lí. Nhưng đằng sau nỗi đau, lối mòn về nguyên nhân dẫn tới tội ác càng hằn sâu hơn, trở thành một con đường lớn vì có nhiều người đã mắc phải, đó chính là vì nghiện game.

Những hành vi tội lỗi của nghi phạm H ở lứa tuổi học trò suy cho cùng cũng chỉ là cái ngọn của vấn đề. Đó là hệ quả của căn bệnh nghiện game. Muốn chặn đứng được căn bệnh này, phải tìm hiểu căn nguyên để ngăn chặn.

Căn bệnh nghiện game đã và đang hành hạ đối với không biết bao nhiêu học sinh, thanh thiếu niên trong những năm qua. Trong một bài đăng trên website của bệnh viện Vinmec, bác sĩ Nguyễn Thanh Long (Phòng khám Tâm lý Khoa Nội tổng hợp, bệnh viện Vinmec Times City) cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa xếp bệnh nghiện game vào nhóm các rối loạn tâm thần, đặc trưng bởi hành vi chơi dai dẳng, tái diễn, dù là trực tuyến hay ngoại tuyến.

Người nghiện game thường khó kiểm soát mức độ chơi game (như tần suất, cường độ, thời gian, bối cảnh), thậm chí mất kiểm soát đối với việc chơi game. Khi đã nghiện game, người nghiện trẻ sẽ ưu tiên chơi game hơn các hoạt động thường ngày khác, và ngày càng tăng mức độ ưu tiên dành cho việc chơi này. Thậm chí, trẻ nghiện game online còn có xu hướng trì hoãn những việc cấp bách, như hạn cuối làm bài tập, ôn thi... Bất chấp sự xuất hiện của những hậu quả tiêu cực, con nghiện vẫn tiếp tục hoặc chơi game ngày càng nhiều hơn…

Không ít gia đình có con trẻ bị nghiện game, cuộc sống của cả gia đình gần như bị xáo trộn. Đứa con vẫn đó nhưng dường đã đã vuột khỏi vòng tay gia đình, phụ huynh như mang cảm giác mất con.

Có những bậc phụ huynh, như chị Nh (xin không nêu rõ tên) ở Gia Lai, phải đưa con đi chữa trị khắp nơi không khỏi, còn nghĩ rằng con mình bị “vong nhập” nên tìm đến cách chữa trị ngoài y học, nhưng cũng chẳng thể giúp con em mình khỏi bệnh.

Nguyên nhân trực tiếp của căn bệnh nghiện game do từ chính người chơi. Tuy nhiên theo các bác sĩ tâm lí, một phần nguyên nhân nữa đến từ phía người thân, bố mẹ, gia đình thiếu sự quan tâm chia sẻ, khiến trẻ cảm thấy cô đơn và vùi đầu vào game, dẫn đến tình trạng trẻ nghiện game ngày càng nhiều.

Khi trẻ đã nghiệm game, gia đình không được phát hiện kịp thời để ngăn chặn và chữa trị, hoặc cách chữa trị không đúng và cũng không tới nơi tới chốn, khiến bệnh càng trở nặng thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn