MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Việt thức khuya dậy sớm làm việc chỉ mong em gái có cuộc sống tốt hơn. Ảnh: Phương Trang

Nhân viên bảo vệ khu chung cư: Chịu nhiều áp lực để mưu sinh

Phương Trang LDO | 07/04/2023 14:17

Bảo vệ chung cư cũng có nhiều áp lực, nỗi niềm khó nói thành lời. Họ luôn phải cẩn trọng từng lời nói, cử chỉ để không làm phật lòng cư dân. Nhiều bảo vệ bị đuổi việc chỉ vì cư dân không hài lòng.

Công việc mệt mỏi nhưng gắng gượng

Anh Vũ Duy Việt (29 tuổi, quê ở Hải Dương) xuống Hà Nội mưu sinh kiếm sống để nuôi em gái học cấp 3. Anh Việt mới làm nghề bảo vệ được gần 1 năm. Trước khi làm bảo vệ, anh làm phụ bếp cho một nhà hàng hải sản ở quận Hoàng Mai (Hà Nội).

Công việc dù vất vả nhưng anh luôn gắng gượng vì em gái chỉ còn một mình anh là người thân duy nhất. 

Chia sẻ với phóng viên, anh Việt tâm sự: “Bố tôi đã mất cách đây 8 năm do bạo bệnh. Mẹ đã bỏ nhà đi được 20 năm nay không có bất kỳ tin tức gì. Hai anh em tôi chỉ biết nương tựa vào nhau sống qua ngày”. 

Mức lương hiện tại của anh Việt chỉ hơn 7 triệu đồng/tháng, nhưng gánh nặng quá lớn đè trên vai chàng trai trẻ tuổi.

“Sau khi nhận lương, tôi lập tức chuyển tiền về quê cho em gái đóng học. Tôi sẵn sàng đi làm việc ngày đêm để em tôi được ăn học tử tế” - anh Việt trải lòng. 

Mỗi tháng anh Việt gửi về quê 4 triệu cho em gái đóng học và chi tiêu cá nhân. Hơn 3 triệu còn lại, anh Việt dùng để trang trải cuộc sống ở Hà Nội. Công ty hỗ trợ mọi người tiền phòng trọ, còn tiền điện nước bảo vệ chi trả. 

Bà con làng xóm biết được hoàn cảnh đặc biệt của nhà anh Việt nên giúp đỡ nhiều.

"Có bó rau, miếng thịt cô chú hàng xóm cũng mang sang cho anh em tôi, tôi cảm thấy biết ơn mọi người rất nhiều” - anh Việt trải lòng.  

Làm bảo vệ áp lực hơn phụ bếp nhưng lương cao hơn nên anh sẵn sàng “nhảy việc”. Mỗi tuần, anh Việt trực đêm 3 ngày, làm liên tục 12 tiếng, những hôm tăng ca chàng trai này chỉ chợp mắt được gần 2 tiếng.  

Dù đã quen với nghề, trải qua nhiều ca trực đêm nhưng mỗi lần đến ca trực anh vẫn lo lắng, nhất là vấn đề buồn ngủ. Làm trái giờ sinh học nên buồn ngủ là không thể tránh được. Lúc này cơ thể dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, mất tập trung. 

Anh Việt cho biết, nhân viên bảo vệ chịu nhiều áp lực, phải đối mặt với nhiều lời khó nghe của cư dân khi bảo vệ nhắc nhở.

“Có lần tôi nhắc nhở cư dân không thả thú cưng chạy qua sảnh chung cư, nhưng họ phớt lờ lời nói của tôi. Khi ấy, tôi cảm thấy chạnh lòng, nhưng chỉ biết cắn răng chịu đựng cho qua chuyện” - anh Việt buồn bã nói. 

Dù tuổi tác đã cao nhưng ông Trần Quang Đa (55 tuổi, sống tại đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy) vẫn làm bảo vệ ở khu chung cư để kiếm đồng ra đồng vào. 

“Còn sức khoẻ là tôi còn lao động, một phần để tuổi già đỡ nhàm chán, hơn nữa làm việc để tiết kiệm phòng khi ốm đau, bệnh tật” - ông Đa tâm sự. 

Tuần nào cũng có người xin nghỉ việc

Đã có 5 năm kinh nghiệm làm nghề, ông Đa hiện là bảo vệ của một chung cư ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, với mức lương 6,8 triệu đồng/tháng. Chỗ làm có phụ cấp ăn theo buổi và chu cấp chỗ ở nên ông Đa đỡ được chi phí này. 

Hai con của ông Đa đều đã lập gia đình, chỉ còn hai vợ chồng già ở với nhau, vợ ông trước kia buôn bán rau củ ở chợ, bây giờ cũng có tuổi, hay ốm đau nên chỉ ở nhà nội trợ, làm vườn. 

Sống ở đất thủ đô cái gì cũng đắt đỏ nên mức lương này không đủ chi trả mọi thứ. Vợ chồng ông Đa phải chi tiêu tiết kiệm hết mức nhưng vẫn không đủ. “May có các con đỡ đần nên vợ chồng tôi cũng đỡ được phần nào” - ông chia sẻ. 

Làm bảo vệ vất vả, áp lực nhiều điều, nghề này không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để đi đường dài. Ở chỗ ông Đa làm tuần nào cũng có người xin nghỉ việc.  

Ông Đa cho biết, do tính chất công việc, nghề bảo vệ yêu cầu sự linh hoạt và sức khỏe. Đặc biệt, nhân viên bảo vệ còn phải rèn luyện ý thức cảnh giác, tinh thần tập trung cao độ với tư thế sẵn sàng đối phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.  

Ông Đa tâm sự, làm nghề này áp lực, vất vả vô cùng, không cẩn trọng lời nói, hành động rất dễ bị đuổi việc. Ảnh: Phương Trang 

Nhiều lần ông Đa bị cư dân nói nặng lời khi nhắc nhở cư dân để xe sai quy định. Ông tâm sự, những lúc như vậy chỉ vui vẻ giải thích và mong cư dân hiểu cho. 

Ông Đa cho biết, việc xe máy để xe lộn xộn, không đúng vị trí trong hầm xe chung cư là điều khó tránh khỏi. Bảo vệ chỉ nhắc lần đầu, tới lần thứ 2 bắt buộc phải xử lý. Đồng nghiệp của ông Đa từng bị một người đàn ông say rượu “động chân tay” khi ra nhắc nhở vấn đề để xe sai quy định. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn