MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu nhà ở tập thể của cán bộ, công nhân lao động đang được Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình cho các hộ dân thuê ở và kinh doanh. Ảnh: Diệu Anh

Nhiệt điện Ninh Bình sẽ chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà ở và kinh doanh

DIỆU ANH LDO | 10/12/2023 17:56

Ninh Bình - Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình vừa ban hành văn bản, thông báo về việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở và kinh doanh tại khu nhà ở tập thể của Công ty (tại phường thanh Bình, thành phố Ninh Bình) đối với các hộ dân từ ngày 1.1.2024. Đồng thời, yêu cầu các hộ dân phá dỡ những hạng mục đã cơi nới tự phát, trả lại mặt bằng nguyên trạng thiết kế.

Trước đó, như Lao Động có loạt bài phản ánh về tình trạng xuống cấp của khu nhà ở tập thể của cán bộ, công nhân lao động tại Công ty CP nhiệt điện Ninh Bình (tại phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình) và việc Công ty này cho các hộ dân không phải là cán bộ, công nhân lao động tại Công ty thuê để ở và kinh doanh là trái quy định.

Cụ thể, khu nhà ở tập thể của Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình được xây dựng từ năm 1976 với tổng diện tích xây dựng là 2.326,4m2, gồm: 2 dãy nhà 5 tầng và 1 dãy nhà 3 tầng. Hiện nay, Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình đang cho 40 hộ gia đình và người lao động trong công ty sinh sống tại 3 dãy nhà trên.

Tuy nhiên, từ năm 2014, do số lao động của Công ty sử dụng không hết các phòng nên Công ty đã cho khoảng 45 hộ gia đình không phải là cán bộ, công nhân viên của Công ty thuê để ở và kinh doanh bán hàng.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình, căn cứ vào các quy định liên quan đến hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng bất động sản, Công ty CP nhiệt điện Ninh Bình không có chức năng kinh doanh bất động sản (theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhà nước số 09-06-000.004 ngày 10.5.2005) và khu đất để xây dựng các dãy nhà trên là đất được Nhà nước cho thuê để xây dựng khu ở tập thể cho cán bộ, công nhân viên (theo Hợp đồng thuê đất số 45/HĐ-TĐ ngày 20.11.1997).

"Việc Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình cho người không phải là cán bộ, công nhân viên của công ty thuê nhà tập thể là chưa đúng với mục đích sử dụng đất và chức năng kinh doanh của công ty" - đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình cho hay.

Sau loạt bài phản ánh của Lao Động, ngày 28.11, ông Trịnh Văn Đoàn - Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình - đã ký văn bản, thông báo về việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở và kinh doanh tại khu nhà 5 tầng (tại phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình) đối với các hộ dân từ ngày 1.1.2024 để khắc phục các tồn tại tại dãy nhà này.

Đồng thời, yêu cầu các hộ dân phá dỡ những hạng mục đã cơi nới tự phát, trả lại mặt bằng nguyên trạng thiết kế cho Công ty đã giao trước đây. “Đối với các lao động làm việc tại công ty đang ở trong khu nhà 5 tầng, nếu chưa có nhà riêng sẽ được bố trí ở tại khu nhà 3 tầng nếu có nhu cầu” - văn bản nêu rõ.

UBND tỉnh Ninh Bình cũng có văn bản đề nghị, Tổng Công ty phát điện 3, Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình thực hiện rà soát, lập kế hoạch hạ giải các hạng mục công trình thuộc khu nhà ở tập thể của Công ty gồm: 2 dãy nhà 5 tầng, 1 dãy nhà 3 tầng và 1 nhà 2 tầng vì các công trình đã được xây dựng từ lâu, khai thác sử dụng nhiều năm, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn.

Trước mắt, UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình cần có biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và người dân sinh sống tại khu nhà và những hộ dân sống cạnh khu vực này. Đồng thời, rà soát việc sử dụng đất đúng quy định theo hợp đồng thuê đất, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình tiền thân là Công ty Nhiệt điện Ninh Bình thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, thực hiện việc cổ phần hóa theo Quyết định số 2745/QĐ-BCN ngày 26.8.2005 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương). Theo đó, việc cổ phần hóa công ty do Ban Đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam thực hiện.

Tỉnh Ninh Bình cũng đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam không tiếp tục đầu tư nâng cấp Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình và xem xét dừng vận hành để thực hiện quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn