MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) đang thuê trọ trong những phòng trọ chật chội, ẩm thấp. Ảnh: Bảo Hân

Nhiều công nhân không mặn mà đăng ký thường trú, chỉ làm thủ tục tạm trú

Bảo Hân – Lương Hạnh LDO | 27/03/2023 06:46
Theo khảo sát của phóng viên, nhiều công nhân lao động làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) hiện nay chỉ đăng ký tạm trú, không quan tâm nhiều đến việc đăng ký thường trú

Luật Cư trú 2020 quy định đăng ký thường trú phải bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người.

Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết về diện tích nhà ở tối thiểu đang được TP Hà Nội lấy ý kiến lại quy định: người đi thuê nhà muốn đăng ký thường trú trong nội thành phải có diện tích ở tối thiểu 15m2 và khu vực ngoại thành là 8m2.

Theo khảo sát của phóng viên, nhiều công nhân lao động làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) hiện nay chỉ đăng ký tạm trú, không quan tâm nhiều đến việc đăng ký thường trú. 

Làm việc ở Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) gần 6 năm nhưng gia đình nữ công nhân Lương Thị Hồng (sinh năm 1987, quê ở Phú Thọ) chuyển trọ đến 3 lần. Khi chưa kết hôn, sinh con, chị Hồng từng ở trong căn trọ vỏn vẹn 15m2. Nhu cầu về diện tích sinh hoạt trong gia đình tăng lên kể từ khi có thêm 2 con nhỏ, vợ chồng chị tìm một phòng trọ 25m2 với giá thuê 600.000 đồng/tháng. 

Theo nữ công nhân, phòng trọ chị đang ở có giá thuê tương đối rẻ so với mặt bằng chung, điều này đồng nghĩa với việc điều kiện của căn phòng cũng xuống cấp. Từ khi về đây sinh sống, chồng chị Hồng đã nhiều lần phải tu sửa, trát tường bằng xi-măng và quét vôi để phòng trọ trở nên sạch sẽ, cải thiện môi trường sống cho cả gia đình. 

Hiện gia đình chị Hồng mới chỉ đăng ký tạm trú. Theo nữ công nhân, gia đình chị không đủ điều kiện để đăng ký thường trú, nhưng chị không thấy điều đó là quan trọng, bởi chỉ cần đăng ký tạm trú là vẫn đảm bảo thủ tục để các con được học ở trường công khi lên lớp 1. Hiện nay, để tiện việc đưa đón 2 con đang học trường mẫu giáo tư thục, mỗi tháng, người mẹ này phải chi thêm 4 triệu đồng tiền học phí, chưa kể tiền sữa, ăn uống của con. 

Chị Hồng cho biết, riêng tiền phòng trọ, điện nước đã chiếm 30% tiền lương. “Chỉ có gửi con ở các trường mầm non tư thục, tôi mới có thời gian đi làm. Ngoài làm ở công ty, tôi cũng nhận gắn mắc áo theo sản phẩm tại nhà. Nếu không làm thêm, không có thu nhập để trang trải nhiều khoản chi khác trong cuộc sống” - chị Hồng tâm sự. 

Cũng giống như chị Hồng, chị Đỗ Thị Kim Cúc cũng chưa có ý định đăng ký thường trú tại nơi mình cư trú. Làm công nhân 3 năm nay, gia đình chị (gồm 3 người) mới chỉ đăng ký tạm trú tại xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội. 

“Mỗi năm một lần, tôi ra Công an xã Võng La để làm thủ tục tạm trú. Tôi không quan tâm đến đăng ký thường trú lắm vì chỉ cần tạm trú, con vẫn được học trường công lập khi vào lớp 1. Con tôi đang học trường mầm non tư thục. Tôi có thể xin cháu vào trường mầm non công lập, nhưng do đặc thù công việc, không tiện đưa đón nên gửi vào trường tư” - chị Cúc nói. 

Một dãy nhà trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Bảo Hân 

Một lý do nữa khiến chị Cúc không mặn mà đăng ký thường trú là chị không xác định gắn bó lâu dài tại đây. Dự định của chị là trước mắt cứ làm việc để kiếm sống, sau này gia đình chị sẽ trở về quê…

Ông Hoàng Đức Khang - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Kim Chung - cho hay, trong xã, nhiều phòng trọ được xây cho công nhân thuê nếu không có nhà vệ sinh khép kín thì diện tích từ 10-12m2; nếu có nhà vệ sinh khép kín, mới xây thì rộng từ 22-25m2, với giá thuê từ 1-1,5 triệu đồng/phòng/tháng.

Theo thống kê của ông Hoàng Đức Khang, trên địa bàn xã hiện có khoảng 16.000 người đăng ký tạm trú. Đa số công nhân lao động làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long thuê trọ trong xã chỉ đăng ký tạm trú…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn