MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rơi vào cảnh khó khăn khi ít việc khiến người lao động muốn rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Ảnh minh hoạ: Lương Hạnh.

Nhiều công nhân lo sốt vó muốn rút bảo hiểm xã hội 1 lần

LƯƠNG HẠNH LDO | 21/08/2023 20:48

Việc ít, công nhân làm cùng công ty chị Vũ Oanh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) xôn xao bàn tán về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Khi bộ luật này đang tiếp tục được cơ quan soạn thảo xin ý kiến bộ, ngành và nhân dân thì những công nhân như chị lại lo sốt vó muốn rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Gần 1 năm rơi vào tình trạng không được làm thêm, từ mức lương lên đến 12 triệu đồng/tháng, hiện nay, chị Oanh nhận về vỏn vẹn 6 triệu đồng/tháng.

“Trước đây, công nhân thường xuyên được tăng ca, làm thêm từ sáng sớm đến tận tối mịt. Số giờ làm thêm nhiều nên thu nhập cao, có tháng tôi nhận về hơn 18 triệu đồng tiền lương. Sau dịch COVID-19, công ty ít việc hẳn, công nhân từ 16h30 đã được ra về” – chị Oanh tâm sự.

16 năm làm công nhân tại Khu công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) cũng là 16 năm chị tham gia bảo hiểm xã hội. Thời gian gần đây, khi nghe thông tin về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có đề xuất 2 phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần, chị và nhiều công nhân khác không khỏi hoang mang, lo lắng.

“Nếu rút bảo hiểm xã hội 1 lần, tôi sẽ nhận về khoảng 200 triệu đồng để làm vốn kinh doanh. Năm nay tôi 32 tuổi, tức là tôi phải chờ hơn 20 năm nữa mới được nhận lương hưu. Trong khi đó, với sức khoẻ hiện tại, tôi không thể làm công nhân đến hơn 55 tuổi được” – chị Oanh chia sẻ.

Theo nữ công nhân, nhiều đồng nghiệp khác của chị tính đến phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần, sau đó tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội từ đầu.

Lí giải về lựa chọn này, chị Oanh cho biết nhiều người không đợi được đến khi đủ tuổi hưởng lương hưu trong khi đồng tiền mất giá.

Rút BHXH một lần là nội dung được nhiều đại biểu nhấn mạnh là nhạy cảm, phức tạp khi cho ý kiến góp ý dự Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bản dự thảo luật được trình lần này nêu 2 phương án về rút BHXH một lần. Ở phương án một, thay vì cho người lao động rút như hiện hành, tức sau một năm nghỉ việc, Chính phủ đề xuất chỉ nhóm tham gia bảo hiểm trước khi luật có hiệu lực (trước 1.1.2025) mới được rút.

Nhóm tham gia sau thời điểm này không được rút, trừ trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư hoặc mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Phương án hai, Chính phủ đề xuất tất cả lao động đóng bảo hiểm dưới 20 năm, sau một năm không tham gia hệ thống đều được rút (tức đối tượng giữ như luật hiện hành) nhưng "siết" mức hưởng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu.

Phương án này không phân biệt thời gian đóng, không giới hạn số lần người lao động được rút.

Trong Bộ luật Lao động, phức tạp nhất là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; với Luật BHXH sửa đổi, đây cũng là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhất, theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhắc lại 72% người rút một lần ở khu vực phía Nam, miền Trung và tuyệt đại bộ phận là công nhân. Nguyên nhân ban đầu là khó khăn.

Tuy nhiên, cả 2 phương án cơ quan soạn thảo đưa ra thực sự chưa có phương án tối ưu nhưng ít ra có phương án tạm thời có thể chấp nhận được.

Nếu nhìn đúng tinh thần Nghị quyết 28 phải chọn phương án 2. Phương án hài hòa giữa người đóng góp, đang tham gia cũng như người tương lai tham gia. Nhưng phương án 2 lại tiếp tục cho người lao động (sau có khi luật sửa đổi có hiệu lực) được rút, là “không trọn vẹn lắm”.

Vì thế, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến nhằm tiếp tục nghiên cứu, tính toán. Trong đó, có thể xem xét thay thế bằng các cơ chế, chính sách khác để người lao động không phải rút.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn