MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động về quê lập nghiệp. Ảnh: Bảo Trung

Nhiều lao động mong muốn tìm việc ở quê nhà

ANH THƯ LDO | 14/02/2023 07:30
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bị giảm việc làm, không ít công nhân, người lao động quyết định trở về quê nhà tìm kiếm việc làm để ổn định cuộc sống.

6 năm làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), chị H.T.L (SN 1998, ở Chiêm Hoá, Tuyên Quang) đã quá quen với công việc lắp ráp linh kiện điện tử cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Chị L chia sẻ về những dự định sắp tới của mình. Ảnh: Anh Thư.

Cả tăng ca, mỗi tháng chị L có thu nhập từ 8-9 triệu đồng. Dù đã lập gia đình, nhưng vợ chồng chị L mỗi người một nơi: chồng chị làm nhân viên bán hàng tại Tuyên Quang, chị L làm công nhân cho nhà máy tại Hà Nội. Chị thuê trọ ở một mình trong xã Kim Chung để tiện cho việc di chuyển.

Vừa qua, chị L về quê để sinh con đầu lòng. Chị chia sẻ: "Có lẽ sinh con, nghỉ chế độ thai sản xong tôi sẽ tính toán ở lại quê nhà. Trước đây, dù nhiều lần động viên, chồng tôi cũng nhất quyết không xuống Hà Nội làm việc. Khi có con nhỏ, tôi lại càng muốn tìm việc làm ở quê".

Cuối năm 2022, công ty chị L bị giảm đơn hàng, công nhân thiếu việc làm. Bối cảnh đó càng thôi thúc chị L tìm một công việc phù hợp ở quê. Mặt khác, khi về quê chị L có sẵn nhà nên không còn phải lo lắng việc thuê trọ mỗi tháng.

Trao đổi với Lao Động, anh Nguyễn Hữu Thành (31 tuổi, trú tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cho biết, trước đây anh theo bạn ra tỉnh Bắc Ninh làm công nhân ở một nhà máy may. Công việc của anh là kiểm hàng hoặc cắt vải, tổng thu nhập từ lương, tăng ca mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, năm 2022, công ty nơi anh làm việc phải cắt giảm nhân sự vì không có đơn hàng. Dù không nằm trong diện cắt giảm, nhưng anh Thành quyết định sẽ trở về quê kiếm việc làm.

Với vốn kinh nghiệm 6 năm làm công nhân ở một công ty may mặc lớn, anh Thành nghĩ đến việc sẽ xin vào làm ở một nhà máy may ở huyện Cam Lộ hoặc huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị).

“Tôi thấy ở quê có nhiều nhà máy may đang có nhu cầu tuyển dụng lao động. Tìm hiểu thì thấy thu nhập thấp hơn so với công ty tôi từng làm, nhưng ở quê chi phí ít hơn, nếu tìm được việc thì tôi sẽ không xa quê nữa” - anh Thành cho hay.

Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục Trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, thời gian qua, nhiều lao động ở các khu công nghiệp trở về địa phương tìm việc làm mới, hoặc tự tạo việc làm.

Theo chuyên gia này, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên là do tại các địa phương đã phát triển sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành nghề nên thu hút người lao động. Bên cạnh đó, người lao động có thể tự tạo việc làm tại địa phương. Ngoài ra, nhiều người lao động về quê nhà xin việc để giảm chi phí sinh hoạt, thuê trọ và ổn định cuộc sống.

Ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm. Ảnh: Anh Thư

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu việc làm tại địa phương, ông Trung cho rằng, chính quyền nơi đây cần tăng cường có những chính sách xã hội cho nhóm đối tượng này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải có những biện pháp giữ chân người lao động làm việc nhờ chính sách về nhà ở, tiền lương, khám chữa bệnh...

"Cuối cùng, người lao động cần xác định rất rõ nơi làm việc phù hợp, và công việc phù hợp. Từ đó, người lao động chủ động nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp" - ông Trung nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn