MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân, người lao động đến hội chợ việc làm tại TP.Pleiku để được tư vấn, giới thiệu. Ảnh: Thanh Tuấn

Nhiều lao động ở Gia Lai mong có việc làm trên chính quê hương mình

THANH TUẤN LDO | 06/03/2023 11:15

Gia Lai - Giá caosu, hồ tiêu xuống thấp nhất trong nhiều năm qua, không đảm bảo đời sống, người lao động tại các vùng quê của tỉnh Gia Lai mong muốn tìm được việc làm có thu nhập ổn định tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn.

Ngày 6.3, bà Rcom Sa Duyên - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị vừa tổ chức hội chợ việc làm tại TP.Pleiku nhằm kết nối doanh nghiệp với người lao động có nhu cầu.

Hàng trăm lao động đã đến để được tư vấn việc làm, giới thiệu mức lương, công việc cụ thể tại các công ty, nhà máy.  

Sau làn sóng về quê trong đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tại Gia Lai vẫn còn rất nhiều công nhân chưa trở lại miền Nam làm việc. Họ bám trụ lại quê nhà với mong muốn có việc làm. 

Từ sáng sớm, chị Rơ Mah Gai (SN 1994, trú tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) đã vượt gần 100 cây số để tới TP.Pleiku hỏi thông tin về việc làm.

Nhà nuôi 2 con nhỏ, công nhân cạo mũ caosu ăn theo sản lượng, đời sống bấp bênh vì giá mủ liên tục xuống thấp, chị Gai quyết định tìm hướng đi mới. 

Chị Gai được nhân viên tư vấn nộp đơn xin việc vào nhà máy may ở Gia Lai. Công việc tương đối nhẹ nhàng, cần sự kiên nhẫn, chịu khó, mức lương tăng đều đặn theo thâm niên và kinh nghiệm.

“Làm công nhân may thì cuối tuần mình có điều kiện được về nhà thăm non, chăm sóc con nhỏ. Nếu không có thông tin tuyển dụng, tư vấn rộng rãi tại hội chợ việc làm, mình ở vùng biên giới xa xôi, khó tìm được công việc phù hợp”, chị Gai tâm sự. 

Nhiều công nhân Gia Lai muốn có việc làm trên quê nhà để thuận lợi chăm lo cho gia đình. Ảnh Thanh Tuấn 

Không chỉ các công nhân lao động phổ thông mà nhiều bạn trẻ đang học THPT, tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học… cũng tham gia hội chợ để tìm kiếm thông tin, nhu cầu việc làm trong tỉnh và nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc.... 

Em Ksor Lin – trú xã Ia Der, huyện Ia Grai chia sẻ: “Ở nhà nương rẫy trồng cà phê, hồ tiêu diện tích ít ỏi nên bố mẹ đã bán hết. Không có công ăn việc làm, em muốn tìm việc ở nhà máy, xưởng sửa chữa máy móc, thiết bị nông nghiệp. Vừa đi làm em vừa học hỏi thêm tay nghề, để sau này em về nhà tự mình mở xưởng mua bán thiết bị nông nghiệp”. 

Theo bà Rcom Sa Duyên - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh Gia Lai, bên cạnh những thuận lợi thì công tác giải quyết việc làm của tỉnh còn có nhiều khó khăn, thách thức. Việc làm ổn định có thu nhập cao còn hạn chế, tỉ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ còn thấp.

Ngoài kết nối, tư vấn cho người lao động trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp tuyển dụng, đơn vị còn phối hợp với Trung tâm lao động nước ngoài giới thiệu, phái cử hàng nghìn lượt lao động sang các nước làm việc.

Người lao động sau một thời gian làm việc ở nước ngoài có nguồn vốn tích lũy để khởi nghiệp, vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống tốt hơn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn