MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều nan giải cho mục tiêu "Dạy thật, học thật, nhân tài thật"

HOÀNG ANH TUẤN LDO | 28/11/2021 18:30

“Dạy thật, học thật, nhân tài thật” sẽ làm thay đổi căn bản chất lượng giáo dục và đào tạo. Đây là mục tiêu lý tưởng của ngành giáo dục. Tuy vậy, theo Thạc sĩ Quản lý giáo dục Trần Hải (Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị) và Thạc sĩ Quản lý giáo dục Hoàng Anh Tuấn (Đại học Sư phạm Huế), không ít bài toán nan giải đặt ra khi thực hiện mục tiêu này.

Dạy thật có khó không?

Câu trả lời là không. Nếu gạt bỏ những cá nhân vì vụ lợi mà “ém” kiến thức để nhằm ép học sinh phải học thêm, còn lại đa phần, đạo đức nghề giáo không cho phép giáo viên làm điều đó.

Ở những vùng miền núi, vùng khó khăn, việc huy động học sinh đến lớp cũng đã là vấn đề nan giải. Nói gì đến chuyện dạy thêm, học thêm.

Bên cạnh đó, trình độ giáo viên hiện nay từng bước đạt chuẩn và trên chuẩn, việc giảng dạy theo mục tiêu chương trình và nội dung sách giáo khoa không phải là rào cản lớn đối với họ. Đội ngũ giáo viên hiện nay có đủ phẩm chất nghề nghiệp để thực hiện sứ mệnh giáo dục.

Ngoài ra, định hướng phát triển chương trình giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng tạo cơ hội để các nhà trường phát huy sức sáng tạo, chủ động trong việc khắc phục những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa, nội dung giáo dục, tạo thuận lợi hiện thực hoá mục tiêu giáo dục.

Vì vậy, có thể khẳng định vấn đề dạy thật, nghĩa là giảng dạy bằng tri thức, năng lực và tâm huyết của chính mình không thể làm khó đối với đội ngũ giáo viên.

Cần đánh giá thật chất lượng học sinh!

Vậy thì tại sao dạy thật mà vẫn có chất lượng học sinh không thật? Lý giải vấn đề này sẽ có nhiều nguyên nhân.

Vào đầu năm học, các nhà trường thường tổ chức khảo sát chất lượng học sinh. Dư luận cho rằng, đây là lần giáo viên được đánh giá thật nhất trong các kỳ đánh giá của năm học. Vì chất lượng học sinh có cao hay thấp cũng không ảnh hưởng gì đến thành tích giáo viên và nhà trường. Nhưng đánh giá cuối năm học, nói chung, chất lượng học sinh thường cao hơn rất nhiều.

Có giáo viên từng trăn trở: “Đánh giá học sinh điểm kém đã rất xót xa, nhưng xót xa hơn là buộc phải làm mọi cách để các học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng lên lớp”.

Những người am hiểu giáo dục đều biết rằng, ngoại trừ trường chuyên, lớp chọn, còn lại những lớp đại trà, chất lượng học sinh có sự phân loại là đương nhiên. Mặc dù vậy, đánh giá thực chất đối với những học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng là điều rất khó đối với giáo viên trong các trường phổ thông hiện nay.

Áp lực thi đua, phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, xét tuyển học sinh đầu cấp, quy định số lần lưu ban và những tác động khác ở một số nơi đã bẻ cong cây bút của người giáo viên trong đánh giá chất lượng học sinh.

Việc gắn danh hiệu thi đua của giáo viên, của tập thể nhà trường với chất lượng của học sinh là một trong những nguyên nhân tạo nên “chất lượng ảo”. Vì nếu trong lớp học, số học sinh học lực yếu, kém chiếm tỉ lệ cao thì giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm lớp đó thường không đạt danh hiệu thi đua và có thể nhà trường cũng sẽ không đạt danh hiệu thi đua đã đăng ký từ đầu năm học.

Ở cấp tiểu học, mục tiêu phổ cập giáo dục đúng độ tuổi cũng là một rào cản rất lớn đối với giáo viên trong đánh giá chất lượng học sinh. Nếu số lượng học sinh lưu ban vượt quá với quy định thì mục tiêu phổ cập giáo dục đúng độ tuổi của trường không đạt, có thể ảnh hưởng đến mục tiêu phổ cập giáo dục các cấp trong hệ thống. Còn ở trường THCS, THPT, quy định học sinh không được lưu ban quá 2 lần trong một cấp học đã và đang “làm khó” giáo viên trong đánh giá chất lượng học sinh.

Áp lực chuyển cấp cũng đè nặng lên đánh giá chất lượng học sinh của giáo viên. Trong buổi họp, có những phụ huynh rất “thẳng thắn” đề nghị nhà trường nhẹ tay trong kiểm tra - đánh giá để tạo điều kiện cho các em trong việc xét tuyển chuyển cấp.

Ngoài ra, ở một số trường, đánh giá chất lượng học sinh còn tuỳ thuộc vào hiệu trưởng. Có hiệu trưởng vì muốn đạt thành tích cá nhân, làm đẹp bản lý lịch công tác nên đã bất chấp thực tế để gây áp lực lên giáo viên trong đánh giá chất lượng học sinh. Nhiều giáo viên rất sợ khi phải cho học sinh điểm kém hay không xét học sinh lên lớp vì nếu như vậy sẽ bị hiệu trưởng nhắc nhở, phê bình.

Và còn nhiều nguyên nhân khác nữa đã làm nên bảng thống kê chất lượng học sinh rất đẹp. Tuy vậy, theo nhận định của nhiều người, hiện nay, tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” không chỉ có ở những vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa mà còn có ở vùng thuận lợi, thành phố và vẫn là căn bệnh khó chữa của ngành giáo dục.

Trong quá trình dạy học, đánh giá kết quả học tập của học sinh là một khâu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tính khách quan, trung thực, chính xác trong đánh giá giúp nhận định thực trạng học tập của học sinh, phản ánh đúng chất lượng dạy học.

Thông qua kết quả đánh giá chất lượng học tập, giáo viên sẽ điều chỉnh phương pháp dạy, học sinh điều chỉnh phương pháp học tập và phụ huynh sẽ nắm bắt được trình độ năng lực của con em mình để cùng phối hợp với nhà trường giáo dục học sinh.

Nếu đánh giá không khách quan theo hướng nâng cao hơn so với chất lượng thật thì học sinh rất khó “học thật”. Và sẽ tạo nên hệ luỵ vô cùng lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh của cả cấp học, bậc học.

Để “Dạy thật, học thật, nhân tài thật” cần giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề, trong đó các nhà trường cần đánh giá thật chất lượng học sinh. Việc trao quyền “thật” cho giáo viên trong đánh giá là yếu tố then chốt quyết định chất lượng đầu ra của học sinh các cấp, góp phần đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn