MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều người chê lì xì 10.000 đồng

Phương Minh LDO | 17/01/2023 15:08
Lì xì là lấy may mắn đầu năm, song lì xì ít lại nhận được thái độ không vui của người nhận. Vậy lì xì bao nhiêu là đủ?
Nhiều người chê lì xì 10.000 đồng là ít. Ảnh: Phương Minh

Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (32 tuổi, sống ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, lì xì là lấy may mắn, bây giờ việc lì xì không còn mang ý nghĩa như ngày xưa, nó đã biến tướng thành kiểu thương mại.

Chị Lan kể, dịp Tết đến xuân về, gia đình chị sẽ thuê xe 5 chỗ về quê Thanh Hoá. Họ hàng đông con cháu, chị Lan quan niệm, có nhiều lì xì nhiều, có ít lì xì ít. Lì xì chỉ cần mang tính tượng trưng, vì đó là sự may mắn đầu năm. Với trẻ em, chị Lan thường lì xì 10.000 đồng, 20.000 đồng, còn các cụ lớn tuổi thì 50.000 - 100.000 đồng.

Đối với bố mẹ, chị Lan mừng tuổi 100.000 đồng. "Trước Tết, tôi đã "đi Tết" ông bà 2 bên nội, ngoại mỗi bên 5 triệu đồng. Do vậy, mừng tuổi cho tứ thân phụ mẫu chỉ mang tính tượng trưng" - chị Lan nói.

Chị Lan chia sẻ, Tết là để sum vầy gia đình, không nên tạo áp lực cho bản thân. Nhớ có lần mừng tuổi những đứa trẻ con nhà cô, dì, chú, bác, chị Lan vui vẻ phát phong bao 10.000 đồng cho khoảng 10 đứa trẻ. Vài chục giây sau đó, đám trẻ liền nhao nhao nói là có 10.000 đồng thôi. Nhìn thái độ của người lớn khi nghe tiền lì xì lúc đó cũng tỏ vẻ không được hài lòng.

"Họ cho rằng tôi là người sống ở thành phố, lì xì ít ra phải 50.000 đồng. Tôi đưa bao lì xì, bọn trẻ liền mở xem và thấy 10.000 đồng, chúng liền chê. Còn người lớn thì thầm to nhỏ sau lưng tôi" - chị Lan kể.

Rút kinh nghiệm từ tình huống đó, chị Lan cho biết, sẽ bảo ban con của mình thật kỹ chuyện nhận lì xì của người lớn. Đó là, khi nhận lì xì, phải cảm ơn và cất nó đi, không được mở ra ngay để so sánh rồi nhận xét hoặc tỏ thái độ. Với chị, dù nhận được lì xì nhiều hay ít cũng cần biết ơn người đã đưa cho mình.

Nhớ lại những năm 90, anh Trịnh Khắc Hùng (37 tuổi, Nam Định) cho biết - cứ vào khoảnh khắc giao thừa, anh chị em trong nhà lại được bố mẹ gọi dậy để chúc Tết, dặn dò rồi mừng tuổi mỗi người 100 đồng, 200 đồng. 

"Ngày Tết, chúng tôi đến họ hàng thân tộc của bố mẹ chúc Tết, chỉ mong có kẹo bánh, chẳng nghĩ đến lì xì. Thời đó khó khăn, ngoài bố mẹ ra cũng rất ít người mừng tuổi" - anh Hùng nói.

Ngày nay, mỗi lần về quê vào ngày Tết, anh Hùng đều chuẩn bị tiền lì xì 10.000 - 20.000 đồng. Dù không nói trước mặt nhưng mệnh giá này nhiều người vẫn chê ít.

Theo anh Hùng, dẫu rằng mỗi thời mỗi khác nhưng đừng nên biến tướng lì xì. Lì xì là tấm lòng của người đưa, niềm vui ngày đầu năm mới, đừng nên so đo lì xì 10.000 đồng, 50.000 đồng hay 200.000 đồng. 

"Đừng nên vật chất hóa vấn đề tiền lì xì khiến trẻ nhỏ học đánh giá người lớn qua giá trị của bao lì xì, điều này làm mất đi giá trị tinh thần của việc mừng tuổi ngày đầu năm" - anh Hùng bày tỏ.

Lì xì bao nhiêu là đủ?

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm qua email của toà soạn: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn