MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đối tượng lừa đào bán vé máy bay giả. Ảnh công an cung cấp

Nhiều người sập bẫy khi mua phải vé máy bay giả

Minh Hạnh LDO | 11/04/2023 20:11
Thời gian qua Báo Lao Động nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về việc bị lừa khi mua vé máy bay trên mạng, khi ra sân bay thì không có vé. Đại diện Vietnam Airlines khuyến cáo hành khách mua vé trên kênh chính thức.

Theo chị Quách Thuý Vy, trú tại số 1 chung cư Tôn Thất Thuyết, phường 1, quận 4, TP.HCM, ngày 27.8.2022 chị  có đặt 1 vé máy bay từ Pleiku đi TP.HCM với giá 1.218.000 đồng. Đến ngày 1.9.2022 Vy check vé trên hãng thì vé không tồn tại… Liên hệ với người bán trên mạng, chị Vy được hướng dẫn ra sân bay mua trực tiếp rồi sẽ thanh toán tiền vé. Sau khi chị Vy mua lại một vé khác giá 1.900.000 đồng, liên lạc với người bán trước đó thì chị bị chặn điện thoại, Facebook và Zalo... không thể liên lạc được.

Công an Nghệ An lấy lời khai đối tượng lừa đảo bán vé máy bay để chiếm đoạt tài sản. Nguồn: Công an Nghệ An

Tiếp đến, ngày 7.6.2022, chị Vũ Hoàng Ngọc Lê sử dụng tài khoản facebook “Vũ Hoàng Ngọc Lê” đăng bài lên các hội nhóm trên mạng xã hội Facebook để tìm kiếm nguồn bán vé máy bay giá tốt, được khoản facebook “Tran Tem” vào nhắn tin chào mời chị Lê mua vé máy bay của hãng Vietjet air giá rẻ hơn 10-15% so với giá của hãng.

Để lấy lòng tin, trong quá trình giao dịch người này tự xưng là đạo diễn của một công ty truyền thông, sau đó hứa hẹn cam kết đến ngày bay nếu vé bị hãng hủy không bay được sẽ chịu trách nhiệm đền tiền cho chị Lê mua bù vé máy bay cho khách bay đúng chuyến bị hủy. Từ ngày 7.6.2022 đến ngày 28.6.2022, chị Lê đã chuyển cho đối tượng 39.130.000 đồng, tuy nhiên đến ngày bay, có tổng cộng 6 code vé máy bay bị hãng hàng không Vietjet air hủy vé.

Theo đại diện Vietnam Airlines, thời gian qua hãng cũng ghi nhận một số trường hợp hành khách mua phải vé giả từ các website, tổ chức, cá nhân tự xưng là đại lý của Vietnam Airlines.

Sự vụ gần đây là trường hợp một khách mua vé khứ hồi nội địa cho gia đình 5 người qua một công ty. Khi đến sân bay check-in, khách mới biết công ty này chỉ đặt chỗ chứ không xuất vé, khách phải mua vé mới cho gia đình. Một phương thức khác là các đối tượng sau khi nhận được tiền của khách, vẫn xuất vé, nhưng sau đó lại hoàn vé để thu lại phần lớn tiền, chỉ phải chịu mất một khoản phí hoàn vé nhỏ.

Cuối năm 2022, một khách hàng mua vé máy bay đi Úc cho đoàn khách qua đại lý là chỗ quen biết cá nhân. Khách đã chuyển cho đại lý này tiền vé, nhưng khi xác nhận lại vé trước ngày bay, khách hàng mới biết vé đã bị hoàn lại trước đó. Khách không thể thực hiện chuyến bay như dự định và phải hủy toàn bộ kì nghỉ.

Để tránh bị lừa mua vé giả, đặc biệt trong các đợt cao điểm Vietnam Airlines khuyến cáo hành khách mua vé trên kênh chính thức của các hãng.

Phương thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là các đối tượng mạo danh đại lý, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng. Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ, gửi khách mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu chuyển tiền thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, đối tượng không xuất vé và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay, nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.

Để tránh mua nhầm vé giả, khách hàng nên mua vé trực tiếp trên website, các phòng vé, đại lý chính thức của hãng trong và ngoài nước. Đồng thời, khách hàng cần lấy phiếu thu, hóa đơn khi mua vé. Đây là chứng từ khách hàng dùng để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn