MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều người sập bẫy lừa đảo xem video, đánh giá 5 sao, nghe nhạc

Mạnh Cường LDO | 19/03/2023 08:36

Thủ đoạn chung của những chiêu trò lừa đảo này chính là chuyển trực tiếp số tiền thưởng từ 60.000 đồng đến 150.000 đồng cho con mồi. Sau khi nạn nhân an tâm, chúng sẽ dụ dỗ nạp tiền vào thật nhiều để kiếm tiền tiếp… 

Rất nhiều người dùng nhẹ dạ cả tin nên đã nhanh chóng bị sập bẫy.

Đang lướt Facebook, sinh viên N.T.L (20 tuổi) tại quận Đống Đa, Hà Nội nhìn thấy một quảng cáo giới thiệu công việc nghe nhạc kiếm tiền vô cùng hấp dẫn.

Vì thế, nữ sinh đã lập tức nhắn tin để xin làm việc. Sau khi nhắn tin, kẻ gian yêu cầu chị L trò chuyện với một người khác qua Telegram để tiến hành làm việc.

Kẻ gian thường xuyên quảng cáo, đăng tải công việc đơn giản dễ thực hiện để lừa đảo. Ảnh chụp màn hình.

Ban đầu, L nhận được các nhiệm vụ dễ thực hiện và hoàn toàn không phải bỏ vốn. Chỉ cần click vào những đường link dẫn đến một bài hát cụ thể trên ZingMp3 sau đó nghe tối thiểu 30 giây, chụp lại màn hình gửi cho người hướng dẫn là được nhận 10.000 đồng/bài.

Nghe xong 6 bài, thực hiện chưa đến 5 phút, L đã được trả sòng phẳng 60.000 đồng về tài khoản ngân hàng đúng như cam kết.

Tiếp theo, kẻ gian đưa ra dịch vụ bỏ phiếu cho các ca sĩ để tăng thứ hạng trên nền tảng ZingMp3. Mỗi lần bỏ phiếu sẽ nhận được tiền gốc và 30% đến 35% tiền hoa hồng. Tuy nhiên, điều kiện của nhiệm vụ này bắt buộc người dùng phải nạp tiền trước để mua phiếu bình chọn.

Do đã nhận được tiền trước đó nên L nhanh chóng đồng ý nạp tiền mà không mảy may suy nghĩ.

Sau khi nạp 5 lần để bỏ phiếu với số tiền hơn 2 triệu đồng nhưng mãi vẫn không nhận được tiền gốc và hoa hồng, L mới phát giác bản thân bị lừa.

Nữ sinh yêu cầu người hướng dẫn trả lại tiền nhưng chỉ nhận được sự im lặng đầy vô tâm.

Cùng cảnh ngộ với chị L, anh H.V.S (23 tuổi) - công nhân tại Ninh Bình nhận được cuộc gọi giới thiệu việc xem video và đặt hàng ảo để tăng số lượng mua hàng cho các sản phẩm. Đối tượng lừa đảo cũng yêu cầu anh S sử dụng ứng dụng Telegram để trao đổi và thực hiện nhiệm vụ.

Lập tài khoản Telegram xong, kết nối với kẻ gian, anh S được giao 20 nhiệm vụ rất đơn giản. Đó là xem 20 video trên YouTube, nhấn "Thích", chụp màn hình và gửi lại để xác minh.

Xác minh xong, kẻ gian lập tức chuyển cho nam công nhân số tiền 100.000 đồng và nói rằng đó là tiền công.

Tiếp tục thủ đoạn cũ, đối tượng lừa đảo đã yêu cầu anh S nạp tiền để thực hiện nhiệm vụ đặt hàng tăng lưu lượng cho các sản phẩm.

Sau khi nhận được tiền cho các nhiệm vụ xem video, anh S được yêu cầu nạp tiền để thực hiện nhiệm vụ khác. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ban đầu do dự nên anh S chỉ nạp 100.000 đồng (gói thấp nhất) để kiểm chứng. Sau khi đặt hàng xong, anh S lại được tặng thưởng 120.000 đồng vào tài khoản ngân hàng.

Thấy kiếm tiền dễ nên anh S đã quyết định nạp gói cao nhất 650.000 đồng. Thực hiện đặt hàng xong, nam công nhân thấy chưa có tiền trả về tài khoản nên đã nhắn tin hỏi thì được thông báo hệ thống đang xác minh. 

Khoảng 3 phút sau, đối tượng lừa đảo yêu cầu anh S nạp thêm 1.500.000 đồng để xác minh nhanh và nhận thưởng.

Vì muốn lấy lại tiền nên anh S đã nạp tiếp số tiền trên nhưng vẫn không thấy tiền trả về. Anh S yêu cầu trả tiền thì lại nhận được thông báo nạp thêm 2,5 triệu đồng để hệ thống hoàn tất xác minh.

Lúc này, nam công nhân mới phát hiện mình bị lừa, nhất quyết không nạp, lớn tiếng với đối tượng lừa đảo. Kết quả cuối cùng chính là một dòng thông báo bạn đã bị chặn liên lạc từ Telegram.

Theo ghi nhận của phóng viên, đây là chiêu trò rất phổ biến của kẻ gian nhắm vào những người dùng ít kiến thức, ít trải nghiệm.

Kẻ gian thường đưa ra các nhiệm vụ thực hiện vô cùng đơn giản. Trong đó, điển hình phải nói đến xem video, thả tym TikTok, nghe nhạc mp3, xem video, nhấn thích trên Youtube, đánh giá khách sạn, sản phẩm trên các website của siêu thị.

Kẻ gian gửi những đường link thật từ các website thương hiệu nổi tiếng để người dùng tin tưởng đang làm việc cho những thương hiệu này.

Sau đó, họ sẽ trả thưởng đúng như cam kết cho các nhiệm vụ hoàn thành ban đầu nhưng với số tiền khá nhỏ, thường dưới 150.000 đồng.

Cuối cùng, kẻ gian sẽ yêu cầu nạp tiền để được nhận thêm nhiệm vụ hoặc làm nhiệm vụ khác có mức hoa hồng cao hơn. Hãy hết sức cảnh giác để tránh bị sập bẫy và mất tiền oan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn