MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân tập trung xem công an khám nghiệm hiện trường vụ thảm sát 5 người ở TPHCM. Ảnh: Thuận Lâm

Nhiều người trẻ phạm tội ác nghiêm trọng: Không chỉ đổ lỗi cho giáo dục

HẢI ĐĂNG LDO | 25/02/2018 10:36
Vừa qua, sau vụ thảm sát cả 5 người trong một gia đình tại TPHCM do nghi can Nguyễn Hữu Tình vừa tròn 18 tuổi thực hiện, có ý kiến cho rằng giáo dục bất cập là một trong những nguyên nhân của tội ác.

Cùng với các vụ thảm sát khác, cũng do những người trẻ tuổi, thậm chí vị thành niên như Nguyễn Hải Dương, Lê Văn Luyện… thực hiện, có nhiều ý kiến “quy  trách nhiệm” cho giáo dục.

Một luật sư phát biểu trên báo: “Chương trình giáo dục trong nhà trường đầy những mục tiêu cao xa, nhưng lại quên đi chức năng lớn nhất là đào tạo nên "con người" có những đức tính nhân bản, biết yêu thương, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, đặc biệt là biết "làm lành lánh dữ". Cho nên số vụ bạo hành và giết người ngày càng tăng”.

Nhận định nói trên không chính xác, vì một trong những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục từ trước đến nay là giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, bằng nhiều nội dung, phương pháp.

Không chỉ tội phạm giết người, mà nhiều tệ nạn xã hội khác, người ta đều cho rằng giáo dục phải chịu một phần trách nhiệm.

Ý kiến nói trên là một cách nhìn nhận đơn giản, dễ dãi, không đúng bản chất vấn đề.

Cha ông có câu “Nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng cái ác vẫn tiềm ẩn trong mỗi người. Giáo dục không phải là “cây đũa thần” có thể biến con người thành tốt đẹp, thánh thiện qua thời gian người ta ngồi trên ghế nhà trường. Yếu tố tự tu dưỡng và môi trường xã hội đóng vai trò quan trọng hình thành nên nhân cách mỗi người.   

Thực tế, có hàng triệu thanh niên cùng là sản phẩm của một nền giáo dục, nhưng chỉ có một vài kẻ cá biệt gây tội ác tày trời. Quy trách nhiệm cho giáo dục là không thỏa đáng.

Một dẫn chứng khác, ở những quốc gia có nền giáo dục được coi là tiên tiến hàng đầu của thế giới, vẫn không tránh khỏi có một vài cá nhân gây nên những cuộc thảm sát, những hành vi thú tính, những tội ác tày trời.

Vậy nguyên nhân cái ác bắt nguồn từ đâu? Câu trả lời không hề đơn giản, mặc dù các nhà tội phạm học, tâm lý học đã nghiên cứu hàng trăm năm qua.

Như danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã viết: “Họa phúc có nguồn phải đâu một ngày” (Họa phúc hữu môi phi nhất nhật), mọi sự việc, kết quả đều có nguyên nhân sâu xa, là cả một quá trình diễn tiến, kết quả của các yếu tố khách quan và chủ quan, tất yếu và ngẫu nhiên.

Chúng ta dù có đề phòng cách mấy, thì những điều rủi ro, tai họa vẫn cứ xảy ra, bởi đó là quy luật của cuộc sống.

Không thể từ một vài hiện tượng cá biệt, có thể khái quát thành cái phổ biến.

Nói như vậy, không có nghĩa phủ nhận, coi nhẹ vai trò của giáo dục. Giáo dục, bao giờ cũng là nền tảng, “bệ phóng” cho trí tuệ, nhân cách con người, động lực phát triển của quốc gia. Tuy nhiên, giáo dục cũng là sản phẩm của xã hội, không thể thoát ra khỏi những rào cản của thời đại, cũng như “gánh” tất cả kỳ vọng của xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn