MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều người trẻ quên giờ, thừa nhận "như bị thôi miên" khi lướt TikTok

Thanh Vân LDO | 08/04/2023 09:40
Dù đã 27 tuổi, nhưng Hoa thừa nhận bản thân như bị TikTok thôi miên, mỗi buổi tối Hoa đều bị cuốn vào ứng dụng này đến 2-3h sáng mới ngủ. Không chỉ Hoa, mà nhiều người trưởng thành khác cũng thừa nhận, TikTok quả thực không có tính giáo dục.

Lướt TikTok quên giờ, quên giấc

Hễ có thời gian rảnh, Nguyễn Thị Kiều Hoa (27 tuổi, Cầu Giấy) lại lướt TikTok. Thời gian sử dụng ứng dụng TikTok mà điện thoại của cô đo được trung bình 1 ngày là 6 giờ 2 phút. Theo sau là ứng dụng Facebook.

Hoa hiện đang là nhân viên văn phòng, ban ngày có thể bận việc, nhưng có thời gian cô lại lướt TikTok bất chấp. "TikTok rất hay đề xuất những video, clip làm tôi cảm thấy cuốn hút. Tôi cũng nhận thấy những video này không có tính giáo dục cao. Chủ yếu là những nội dung review địa điểm ăn uống, nhảy múa, clip hài...", Hoa chia sẻ.

Cô cho biết, ngay cả khi ăn, tắm, làm việc, cô cũng có thể để điện thoại lướt TikTok. "Mỗi khi tôi mở ứng dụng là tôi như bị thôi miên, xem liên tục mà không để ý thời gian. Tôi thường hay bị mọi người nhắc nhở vì thói quen này", Hoa kể.

"Tôi thường xem các clip trước khi đi ngủ. Có những hôm lên giường nằm từ rất sớm, khoảng 22h tối, nhưng tôi cũng không ngủ được luôn mà phải nằm coi TikTok mới chịu được. Có những hôm lướt đến 2-3h sáng mới ngủ", Hoa chia sẻ.

Hoa xấu hổ khi thừa nhận bản thân cũng nghiện lướt TikTok. Ảnh: Minh Ánh

Được biết, đây không chỉ là thói quen cá biệt của Hoa - một cô nàng độc thân. Rất nhiều người hiện nay cũng thừa nhận có thói quen xấu tương tự như vậy.

Anh Đỗ Trọng Lộc (Thường Tín, 30 tuổi) là người đã lập gia đình. Anh cho biết, cả hai vợ chồng anh đều có thói quen xem TikTok. Tuy không xem liên tục, nhưng anh Lộc cũng thừa nhận: "Mỗi mỗi buổi tối, tôi lướt TikTok quên luôn thời gian. Thấy buồn ngủ và nhìn lên mới thấy mình đã dành hơn 2 tiếng đồng hồ cho nền tảng này".

Những người trong độ tuổi trưởng thành là những người dễ kiểm soát hành vi, nhưng nhiều người cho rằng, họ đang bị thao túng tâm lý khi sử dụng nền tảng này.

"Từ khi dùng ứng dụng TikTok, tôi được nền tảng này hỏi về những sở thích cá nhân. Khi tôi lướt, chỉ cần tôi quan tâm, tìm kiếm hay nhấn thích một nội dung nào, là nền tảng này sẽ liên tục đề xuất những nội dung tương tự. Từ đó, tôi lướt TikTok mà không thấy dừng lại được", bạn Linh Chi, Bắc Từ Liêm chia sẻ.

TikTok bổ ích hay độc hại?

TikTok bổ ích hay độc hại là câu hỏi đang nhận nhiều sự tranh cãi. Ảnh: Minh Ánh  

Chia sẻ về các nội dung trên TikTok, Kiều Hoa thừa nhận những nội dung trên TikTok của cô chủ yếu là các nội dung "vô bổ".

"Tôi hay xem được những video biến hình, cover bài hát, clip diễn hài,... Thỉnh thoảng có một số video về tin tức", nhưng Hoa kể, mới đây, cô đã xem được video livestream của một nữ TikToker ăn mặc hở hang, câu view. 

"Livestream đề xuất trên tường của mình, mình thấy có rất nhiều lượt xem, cùng những bình luận mang hàm ý dung tục, bậy bạ. Xem một lúc, mình mới nhận ra nữ TikToker đã không mặc áo ngực khi livestream. Thực sự rất phản cảm!", Hoa nhấn mạnh.

Trên thực tế, số lượng các nội dung chia sẻ kiến thức, mang những thông tin bổ ích trên TikTok còn rất hạn chế. 

Bạn Linh Chi (Bắc Từ Liêm) chia sẻ, bản thân cũng thường xuyên tiếp cận những nội dung độc hại trên nền tảng này. Chi lấy ví dụ về vụ việc clip của TikToker "Nờ Ô Nô" cuối năm 2022.

"Không chỉ clip của TikToker Nờ Ô Nô, mà nhiều clip khác trên nền tảng này cũng không có tính giáo dục cao được đề xuất trong phần xu hướng", Chi nói.

Trên thực tế, trên nền tảng TikTok không phải không có những người sản xuất các nội dung mang ý nghĩa tích cực, giáo dục. Tuy nhiên, số lượng các sản phẩm còn ít và độ tiếp cận vẫn chưa cao.

Bà Trần Thị Kiều Oanh (Hà Nam) cho biết: "Tôi xem TikTok và giật mình khi thấy có rất nhiều clip các em nhỏ, chưa đủ tuổi vị thành niên, đã sử dụng TikTok".

"Chủ yếu các clip tôi thấy là những clip các em nhảy theo nhạc, hay nhép theo lời bài hát, hoặc quay video clip thường nhật. Rõ ràng, các con nhỏ đang sử dụng TikTok rất nhiều", bà Oanh nói thêm.

Theo báo cáo minh bạch của TikTok, nền tảng này đã xoá 1,7 triệu video vi phạm chính sách tại Việt Nam trong quý IV/2022, trong đó 94,9% là chủ động xoá.

Trong cuộc họp chiều 6.4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã liệt kê 6 vi phạm và hàng loạt những trào lưu, thử thách nhảm nhí, lệch lạc lan truyền trên TikTok thời gian qua. Các trào lưu độc hại như "bóc phốt", "mài răng" trên TikTok được đánh giá tiềm ẩn nguy cơ gây hại tới cộng đồng, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn