MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân ở huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh) có cuộc sống khấm khá, vươn lên làm giàu nhờ bám trụ vào cây lác. Ảnh: Hoàng Lộc

Nhiều nông dân ở Trà Vinh thoát nghèo nhờ cây lác

HOÀNG LỘC LDO | 23/10/2023 16:56

Hàng chục năm qua, người dân huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh) có cuộc sống khấm khá, thoát nghèo nhờ bám trụ vào cây lác.

Ông Lưu Văn Lập (sinh năm 1972, ở xã Đức Mỹ, huyện Càng Long) cho biết, gia đình đã 3 đời làm lác, lúc ông còn đi học đã biết phụ công việc này. Đến những năm đầu của thập niên 90, ông trồng lác trên mảnh đất 5.000m2.

Theo ông Lập, từ khâu giữ nước, phun thuốc, rãi phân, thu hoạch… đều sử dụng lao động thủ công. Vì chưa có thiết bị cơ giới hiện đại nên các công đoạn này rất cực và tốn thời gian.

Cũng theo ông Lập, mỗi năm cây lác thu hoạch từ 2 – 3 vụ, giá bán tùy thời điểm từ 12.000 - 23.000 đồng/kg (lác loại 1). Tuy vất vả nhưng lợi nhuận mang lại cao gấp 5 – 7 lần so với trồng lúa, trừ hết chi phí thu về từ 10-15 triệu đồng/1.000m2/vụ.

“Sau gần 30 năm trồng lác, gia đình đã mua thêm hơn 10.000m2 đất, cho con ăn học có việc làm ổn định, cất nhà mới hơn 800 triệu đồng, kinh tế của gia đình ngày một phát triển”, ông Lập cho biết thêm.

Tương tự, anh Lê Quốc Thống (sinh năm 1984, ở xã Đức Mỹ) cho biết, gia đình có 3.000m2 trồng lác. Thời gian rảnh rỗi, anh và vợ làm thuê cho nhiều hộ trồng lác khác thu về mỗi ngày từ 200 – 300 ngàn đồng/người.

"Ngày trước, vợ chồng khó khăn thiếu trước hụt sau, bắt đầu làm lác từ khoảng năm 2000, đến nay gia đình thoát nghèo, kinh tế ổn định", anh Thống cho biết thêm.

Huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh có hơn 1.700ha trồng cây lác, giúp nhiều người dân thoát nghèo. Ảnh: Hoàng Lộc

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Hai - Bí thư Chi bộ ấp Đức Mỹ, xã Đức Mỹ - thông tin, ở ấp hiện có 385 hộ, chỉ còn 2 hộ nghèo (nhận trợ cấp xã hội do lớn tuổi, không khả năng lao động). Đa số người dân lao động các công đoạn trong việc làm lác có thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày nên điều kiện kinh tế ổn định.

Ngày 23.10, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Văn Song - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Mỹ, huyện Càng Long - cho biết, diện tích trồng lác tại xã Đức Mỹ hơn 1.700ha, trong năm 2022, giá trị kinh tế từ cây lác mang lại cho địa phương gần 300 tỉ đồng.

Theo ông Song, cùng với việc trồng lác, người dân xã Đức Mỹ còn thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác và mở nhiều cơ sở dệt chiếu, thảm, se lõi nhằm tạo thêm việc làm cho lao động nhàn rỗi và phát triển làng nghề. Năm 2007, UBND tỉnh Trà Vinh đã công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đức Mỹ.

“Đời sống người dân từng bước được nâng lên nhờ có thu nhập ổn định từ làm lác. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục phối hợp cùng các ngành chức năng đẩy mạnh công tác nghiên cứu nhằm cơ giới hóa trong sản xuất nghề lác. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu từng bước đưa cây lác Đức Mỹ đến với các thị trường lớn trong và ngoài nước”, ông Song cho biết thêm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, toàn tỉnh có khoảng 3.000 ha lác. Trong đó, chủ yếu ở huyện Càng Long với diện tích 2.818 ha (xã Đại Phúc 60 ha, xã Đại Phước 803 ha, xã Đức Mỹ 1.703 ha, xã Nhị Long 50 ha và Nhị Long Phú 202 ha…), còn lại rải rác ở các huyện khác như Trà Cú, Châu Thành…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn