MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường Hà Nội Academy. Ảnh: Vân Nhi

Nhiều thắc mắc việc đặt tên trường học chưa được rõ ràng

QUANG ĐẠI LDO | 15/11/2021 09:29

Trong hai thiết chế đặc biệt quan trọng có quy định đặt tên là đường giao thông và trường học, việc đặt tên đường đã có quy định rất chặt chẽ, trong khi việc đặt tên trường còn bị thả nổi.

Như Lao Động đã thông tin, việc sử dụng tên người, từ nước ngoài để đặt tên cho trường học ở Việt Nam chưa được quy định một cách chặt chẽ.

Tại Hà Tĩnh, vào năm 2018, địa phương cho phép thành lập Trường Tiểu học - Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Albert Einstein. Đây là trường tư thục với tên tiếng Anh là “Albert Einstein School”.

Tại tỉnh này và nhiều địa phương khác có Hệ thống Trường Hội nhập Quốc tế iSchool từ nhiều năm qua.

Hà Nội và TPHCM có nhiều trường quốc tế ra đời, như Trường quốc tế Nhật Bản (JIS); Trường song ngữ quốc tế Hà Nội Academy, Trường quốc tế Global, Trường quốc tế ParkCity (ISPH), Trường quốc tế Gateway (nay đã đổi tên)…

Mặc dù trong hệ thống giáo dục hiện hành không có khái niệm “trường quốc tế”, nhưng nhiều cơ sở giáo dục vẫn đặt tên trường gắn với từ này, với mục đích tạo thương hiệu gắn với yếu tố nước ngoài để tuyển sinh và thu học phí cao.

Có 2 thiết chế đặc biệt trong xã hội Việt Nam là đường và trường được định danh (đặt tên). Trong khi việc đặt tên đường đã được luật hóa, với các quy định, quy trình chặt chẽ tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thì hầu như việc đặt tên trường đang bị thả nổi.

Hiện chưa có một văn bản quy phạm pháp luật riêng cho việc đặt tên trường học. Nội dung này thường được đưa vào một mục nhỏ trong các Điều lệ nhà trường các cấp, một số văn bản liên quan khác của Chính phủ, Bộ GDĐT, Bộ LĐTBXH.

Trước đây, Bộ GDĐT không quy định cụ thể về tên trường, sau mới bổ sung: “Việc đặt tên riêng của trường phải bảo đảm rõ ràng, minh bạch, không gây hiểu sai về tổ chức và hoạt động của nhà trường; phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc”.

Tuy nhiên, vẫn chưa có hướng dẫn về quy trình, quy định cụ thể cho việc đặt tên trường học. Câu hỏi thế nào là “phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc”, và thế nào là “không phù hợp” vẫn chưa có đáp án cụ thể.

Đối với cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, Điều 29, Nghị định 86/2018 quy định: “Tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam”.

Quy định như trên vẫn chung chung, không rõ ràng, không rõ thế nào là “vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam”.

Thực tế cho thấy, từ trước đến nay việc đặt tên trường học bằng tiếng Việt hầu hết được các địa phương bàn bạc, cân nhắc kĩ, trong khi việc đặt tên trường bằng tiếng, từ ngữ nước ngoài vẫn còn dễ dãi, có hiện tượng tràn lan, tùy tiện, gây bức xúc dư luận.

Thiết nghĩ, Bộ trưởng Bộ GDĐT, Bộ LĐTBXH và các bộ ngành liên quan cần nghiên cứu xây dựng một Nghị định trình Chính phủ quy định về việc đặt tên cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề các cấp, bảo đảm phù hợp với xu thế thời đại và truyền thống văn hóa dân tộc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn