MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ đội biên phòng giúp đồng bào di dời khỏi khu vực lũ lụt, sạt lở ở miền Trung.

Nhiều tỉnh phía Bắc đối diện với nguy cơ bão chồng bão

KHÁNH VŨ LDO | 18/10/2016 06:47
Sáng 17.10, tại Hà Nội, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tiếp tục họp đôn đốc công tác khắc phục hậu quả mưa lũ ở các tỉnh miền Trung và bàn giải pháp ứng phó bão số 7. Các chuyên gia cùng chung nhận định, bão số 7 - Sarika là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây và có đường đi phức tạp.

Nguy cơ bão chồng bão

Đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, do thay đổi hướng di chuyển theo hướng bắc, phạm vi ảnh hưởng bão số 7 xác định là các tỉnh, thành phố từ Thái Bình - Quảng Ninh. Cảnh báo các địa phương gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn cần đặc biệt đề phòng gió mạnh và mưa lớn khi bão đi qua. Thời gian bão đổ bộ được xác định là ngày 19.10, nếu vào bờ sớm là 10 giờ, còn muộn có thể là 19 giờ cùng ngày. Kịch bản thứ nhất khi bão đi vào đất liền sẽ tan nhanh mưa kèm theo bão có thể từ 100 - 300mm ở các tỉnh, TP. Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, trong đó tại tỉnh Quảng Ninh lượng mưa có thể từ 200 - 300mm. Với kịch bản còn lại bão sau khi vào đất liền suy yếu thành áp thấp, có thể gây mưa ở các tỉnh miền núi phía bắc.

Bão Haima tiếp nối bão số 7 (Sarika). 

Theo nhận định, nếu đường đi của bão không thay đổi so với dự báo hiện nay thì đây là cơn bão muộn, trái mùa đối với khu vực Bắc Bộ và xảy ra trong bối cảnh mưa lũ liên tiếp và kéo dài trong nhiều ngày qua ở khu vực bắc miền Trung, đồng thời các hồ chứa hiện nay đã tích nước hoặc đang ở mức cao… Dự báo khi bão đổ bộ đất liền cũng là lúc triều cường cao nhất trong năm. Vì vậy sóng biển có thể dâng lên đến 2m. Vùng ven biển có sóng từ 3-5m, ngoài khơi sóng có thể lên đến 10m. So với siêu bão Hải Yến, bão Sarika chỉ kém 1 cấp (tính đến thời điểm sáng 17.10 khi đang áp sát khu vực Biển Đông). Đáng lưu ý, ngay sau khi bão số 7 đổ bộ, Biển Đông sẽ có nguy cơ hứng chịu bão Haima với sức gió mạnh hơn nữa, có thể đạt mức siêu bão. Cơn bão này hiện đang hoạt động ngoài khơi Philippines.

Vẫn còn hàng trăm tàu, thuyền trên biển

Trên cơ sở nhận định diễn biến mới nhất của cơn bão, các thành viên ban chỉ đạo cho rằng, song song với tập trung cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả và thống kê thiệt hại mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, các địa phương ven biển Bắc Bộ, nhất là khu vực Đông Bắc trong vùng ảnh hưởng bão khẩn trương kêu gọi tàu thuyền, sơ tán dân ở các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt lưu ý hoạt động của các tàu du lịch ở Quảng Ninh và Hải Phòng... Thượng tá Trần Văn Đình - Phó Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn - Bộ Tham mưu Bộ đội biên phòng cho biết: Hiện Hải Phòng có 240 tàu, ở Quảng Ninh có hơn 300 chiếc. Đến sáng 17.10, trên vịnh Hạ Long có khoảng 334 tàu chở 2.336 du khách, trong đó còn có 196 tàu, thuyền với hơn 1.000 du khách nghỉ đêm trên vịnh. Đề nghị các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng không để tàu du lịch ra biển và đưa du khách về bờ sớm đảm bảo an toàn tính mạng người dân. 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, đến 16h ngày 18.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, trên đất liền phía tây đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15.

Đến 16h ngày 19.10, vị trí tâm bão ở trên vùng ven biển các tỉnh phía đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14-15.

Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14-15; sóng biển cao từ 3-5m, biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Trong 48 - 72h tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 10-15km.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn