MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe ôm công nghệ tại Hà Nội. Ảnh: Xuyên Đông

Nhiều xe ôm công nghệ băn khoăn ở hay về quê dịp Tết Nguyên đán 2024

Xuyên Đông LDO | 11/01/2024 06:10

Trước dịp Tết Nguyên đán, nhiều xe ôm công nghệ cho biết, họ đang băn khoăn ở lại kiếm thêm hay về quê ăn Tết?

Băn khoăn và bỏ nghề

Anh Trần Đình Giang - một xe ôm công nghệ thuê trọ ở Hà Đông, Hà Nội - cho biết, quê anh ở tỉnh Bắc Ninh, cách nơi trọ 60 km. Anh Giang học cao đẳng ở Hà Nội, vừa ra trường được vài tháng nên chưa có công ăn việc làm ổn định.

“Tết Nguyên đán này, tôi rất băn khoăn có nên về quê ăn Tết không? Bởi chạy xe ôm công nghệ dịp Tết Nguyên đán có cơ hội kiếm nhiều tiền hơn. Thế nhưng, cả năm có ngày Tết không về nghĩ cũng buồn” - anh Giang chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều xe ôm công nghệ cũng bỏ nghề để về quê sinh sống. Anh Minh Lợi chia sẻ, anh làm xe ôm công nghệ được hơn một năm nay. Chắc sắp tới, anh sẽ về quê ở Hải Dương sinh sống.

“Tôi buồn với nghề lái xe ôm công nghệ quá. Khách có nhiều người hách dịch, cước thì rẻ hơn xe ôm, xăng thì đắt, đường thì đông tắc, các va chạm lớn nhỏ đều có thể xảy ra. Trong khi đó, Công an, Thanh tra thì luôn khiến mình phải lo lắng, đề phòng; công ty xe ôm công nghệ không có hỗ trợ, động viên gì đối tác, ép chạy giờ cao điểm để kiếm thêm tiền hỗ trợ” - anh Minh Lợi chia sẻ.

Còn anh Nguyễn Quân chia sẻ: “Tôi làm Grab được 5 năm nhưng cũng không thể duy trì được thêm vì chi phí ăn ở trên thành phố quá cao. Vì vậy, tôi quyết định về quê sống”.

Nhiều ý kiến trái chiều

Bình luận về việc bỏ xe ôm công nghệ về quê, bạn đọc có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối. Anh Trần Kiên Trung, cũng làm xe ôm công nghệ, bình luận: Đang cận dịp Tết Nguyên đán, phía App công nghệ sẽ có nhiều ưu đãi. Hơn nữa, dịp này người dân sẽ đi lại nhiều hơn. Do đó, bỏ làm xe ôm công nghệ giai đoạn này sẽ rất phí.

Còn bạn đọc Phạm Văn Tuân lại bày tỏ: "Về quê mà trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn cũng rất vất vả, thu nhập lại thấp. Có khi về quê còn áp lực hơn".

Anh Tuân cho biết: "Nếu về quê không có công ăn việc làm ổn định, lái xe công nghệ cần cân nhắc, không thì về quê cũng sẽ không biết làm gì?".

Tuy nhiên, nhiều người lại bày tỏ đồng cảm. Anh Trần Long cho hay, làm việc quan trọng là mình thấy thoải mái. Mình phù hợp cái nào thì chọn làm cái đó. Nếu làm lái xe công nghệ không thoái mái thì cứ về quê thôi".

Còn anh Văn Trọng cho rằng, ở quê bây giờ có nhiều việc làm. Về quê không lo mất tiền thuê nhà, lại trồng thêm rau, nuôi thêm gà. "Theo tôi, nên về quê sống cho lành" - anh Trọng nói.

Nghiên cứu đánh giá thực trạng đời sống người lao động và thực tiễn công tác quản lý hoạt động dịch vụ xe ứng dụng nền tảng công nghệ tại TPHCM (do Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội thực hiện) cho thấy, xe ôm công nghệ phần lớn đã có công việc khác. Thậm chí, 27% tài xế xe công nghệ hiện nay là các tài xế xe ôm hoặc taxi truyền thống chuyển sang.

Tính đến nay, hệ thống xe ôm công nghệ hãng Be ghi nhận có khoảng 300.000 tài xế, Grab là 300.000 tài xế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn