MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người dân cho rằng đề xuất tăng giá điện cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất tăng giá điện

Phan Liên LDO | 30/09/2022 10:06
Đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhận được nhiều ý kiến trái chiều của người dân. 

Trước thông tin mới nhất về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất tăng giá điện, nhiều người dân tỏ ra băn khoăn và lo sợ rằng, nếu có quyết định chính thức về mức tăng giá điện thì sinh hoạt của các hộ gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn. 

“Để phục vụ cho chi phí đi lại trong đợt giá xăng tăng vừa rồi, gia đình tôi đã phải cắt giảm rất nhiều khoản. Nếu giờ giá điện cũng tăng nữa thì tôi không biết phải làm sao vì đồng lương ít ỏi nhưng hàng chục khoản phải chi trả, khoản nào cũng tăng trong khi thu nhập không tăng” - chị Phan Thị Thu Trang, Vĩnh Phúc bày tỏ sự hoang mang.

Không chỉ chị Thu Trang, anh Nguyễn Việt Cường (Thái Bình) cũng nhìn thấy "tương lai” đầy khó khăn nếu giá điện tăng như đề xuất.

“Người dân chúng tôi cũng đã quen dần với những thông báo tăng giá này giá kia. Giá điện cũng như giá xăng vậy, nếu tăng sẽ đi kèm tăng theo nhiều loại giá khác. Nếu tăng thì người dân dĩ nhiên vẫn phải chấp nhận nhưng tôi mong rằng cấp lãnh đạo có thể xem xét để giảm thiểu tối đa những khó khăn cho người dân” - anh Cường bày tỏ ý kiến.

Cô Tạ Thị Thu, hiện là cán bộ tại đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, nêu ý kiến phản đối trước đề xuất tăng giá điện của EVN. Cô Thu cho rằng không chỉ cô mà người dân tại đảo Cô Tô đều không mong muốn giá điện tăng vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mọi người ở đây.

“Tại huyện đảo Cô Tô việc đi lại đã rất khó khăn, cộng với giá mặt hàng ở đảo cũng cao hơn rất nhiều so với đất liền. Giá điện tăng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của mọi người. Cá nhân tôi không đồng tình việc tăng giá điện” - cô Tạ Thu cho biết.

Nhiều sinh viên thì không dám nghe tin này vì đang phải đối mặt với giá nhà trọ tăng cao. Nhiều em nói, cuộc sống sinh viên trong thời gian tới sẽ “khó khăn chồng chất khó khăn” nếu giá  điện tăng thêm nữa.

Trái ngược với quan điểm của anh Cường, chị Trang và nhiều người, anh Nguyễn Thế Sơn (Hà Nội) lại cho rằng, đề xuất tăng giá điện là điều hoàn toàn bình thường. 

"Nếu vận hành hoàn toàn linh động theo thị trường thì sẽ có tăng có giảm. Nhưng rõ ràng, 3 năm nay, giá điện chưa tăng trong khi giá nhiên liệu đầu vào như than, dầu, khí tăng. Chưa kể, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, một số lĩnh vực còn được hỗ trợ giảm giá tiền điện. Đây là nỗ lực rất cao của ngành điện" - anh Sơn bày tỏ quan điểm.

Chị Lê Thị Thủy (Thanh Hóa) cũng cho rằng, nếu kinh doanh liên tục có lỗ, giá nguyên liệu đầu vào tăng dẫn đến chi phí sản xuất tăng thì việc doanh nghiệp tăng giá bán sản phẩm là điều dễ hiểu. 

Tuy nhiên, chị Thủy cho rằng, việc tăng giá điện cần có lộ trình để tránh "sốc" cho người dân.

"Đề xuất tăng giá điện cần được cân nhắc kỹ lưỡng bởi việc tăng giá điện đột ngột sẽ khiến nhiều người dân, các hộ gia đình kinh doanh cảm thấy khó khăn. Nếu có lộ trình cụ thể cho việc tăng giá điện theo từng năm, tôi cho rằng, đây sẽ là giải pháp giúp doanh nghiệp giải bài toán lỗ lãi cũng như làm dịu nhẹ dư luận" - chị Thủy nói.

Trước đó, tại hội thảo về phát triển năng lượng ngày 23.9, đại diện EVN đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh giá bán lẻ điện kịp thời theo Quyết định 24/2017.

Lý do là tập đoàn này đang đối mặt khó khăn lớn. 8 tháng đầu năm, giá thành khâu phát điện (vốn chiếm tỉ trọng 82,45% trong cơ cấu giá), tăng quá cao vì giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào leo thang.

Trước đề xuất tăng giá điện, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, báo cáo cho thấy EVN đang lỗ nặng do chi phí giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện trong nước và thế giới tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao. Nên việc điều chỉnh tăng giá điện là cấp bách và hợp lý. Vấn đề là cơ chế điều chỉnh giá thế nào. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn