MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhìn từ vụ tai nạn tàu lượn: Trách nhiệm thuộc về ai? Ảnh: L. Tuấn - Lao Động

Nhìn từ vụ tai nạn tàu lượn: Trách nhiệm thuộc về ai?

Bảo Trân (TH) LDO | 15/01/2021 22:04
Vừa qua, tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh đã xảy ra vụ tai nạn tàu lượn thương tâm khiến một học sinh tử vong và hai em khác bị thương. Đối với những tai nạn hy hữu này, các công viên trò chơi liệu có chịu hoàn toàn trách nhiệm?

Các trò chơi mạo hiểm trong công viên giải trí, cụ thể hơn là tàu lượn siêu tốc là trò chơi được nhiều người ưa thích nhưng đây cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người chơi. Chấn thương có thể nhỏ như những vết trầy xước, bầm tím; nặng hơn là tổn thương vùng đầu hay tử vong như các em học sinh mới đây.

Một số bang và tiểu bang ở Mỹ đã đưa ra những luật kiểm tra thường xuyên trong các công viên trò chơi. Yêu cầu mọi khu vui chơi phải có nhân viên chăm sóc sức khỏe người chơi và kiểm tra cơ sở vật chất thường xuyên. Nếu tai nạn do sơ suất từ dịch vụ chăm sóc khách hàng, vi phạm này sẽ được truy cứu cho cả công viên hoặc cá nhân nhân viên của công viên đó. Ở Texas, nếu công viên vi phạm luật tiểu bang, phớt lờ quy định an toàn hoặc không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc hợp lý, khách hàng bị thương có thể lấy đó làm căn cứ để khởi kiện.

Các nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn

Theo CPSC, có nhiều nguyên nhân gây tai nạn mà đôi khi chúng ta không ngờ đến. Tuy nhiên, có thể kể đến một số nguyên nhân phổ biến sau: Do sự cố cơ học (đến từ máy móc, thiết bị); do người điều khiển không kiểm tra hoặc thắt dây an toàn không đúng cách; do sự chủ quan, liều lĩnh của hành khách trong quá trình tham gia trò chơi; do bản chất nguy hiểm vốn có của trò chơi, với trường hợp này, nhiều công viên yêu cầu người chơi ký cam kết chấp nhận tai nạn trước khi bắt đầu.

Trách nhiệm pháp lý

Theo The National Law Review, việc truy cứu trách nhiệm pháp lý phải được dựa trên dữ kiện trong từng trường hợp cụ thể. Những cá nhân và tổ chức có khả năng “hầu tòa” phải kể đến người điều hành công viên, nhà sản xuất hay bên thi công, lắp ráp…

Nếu tai nạn xảy ra do sự bất cẩn của nhân viên thì phía công viên hoặc cá nhân nhân viên đó sẽ chịu trách nhiệm và bồi thường do sơ suất. Tuy nhiên, để có thể khiếu kiện, người bị thương phải chứng minh rằng nhân viên đã không thực hiện đúng công việc được yêu cầu. Tùy mức độ nghiêm trọng mà cá nhân hoặc tập thể sẽ được xử lý theo pháp luật.

Napoli Shkolnik PLLC cũng không quên đề cập đến trường hợp tai nạn không đến từ bất kỳ cá nhân nào mà do lỗi kỹ thuật hay sửa chữa, bảo dưỡng… Kể cả nhân viên điều khiển tốt đến đâu hay người chơi có tuân thủ mọi quy định thì vẫn có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào. Về các lỗi trong cấu trúc hay thiết kế dẫn đến tai nạn, người chơi có thể yêu cầu khiếu nại và truy cứu trách nhiệm đối với nhà sản xuất thiết bị hoặc riêng đơn vị thi công bộ phận gặp lỗi.

Đối với tình huống trò chơi đã được thông báo nguy hiểm, hoàn toàn có khả năng xảy ra tai nạn và được sự đồng ý tham gia của người chơi thì họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tương tự với trường hợp người tham gia không tuân thủ quy định của trò chơi như việc không thắt chặt dây an toàn hay đứng dậy trong lúc tàu đang chạy… phía công viên giải trí sẽ không phải đối mặt với bất kỳ án phạt nào.

Tóm lại, đây là một ngành kinh doanh mạo hiểm về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng vì nó liên quan đến tính mạng và sự an toàn của người chơi, thế nhưng vẫn chưa có sự nhất quán, rõ ràng trong việc thực thi các quy định. Trước những vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra trong nước và cả thế giới, người tham gia vẫn là người chịu trách nhiệm cao nhất cho sức khỏe và mạng sống của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn