MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tài xế Vũ Anh Tú nói rất sợ mỗi khi đón khách ở tòa nhà Tân Hoàng Minh (trên đường Khuất Duy Tiến - Hà Nội). Ảnh Cao Nguyên.

Những “điểm đen” tài xế công nghệ sợ đón khách: Vì sao vẫn tồn tại

CAO NGUYÊN - THÔNG CHÍ LDO | 13/03/2020 14:33

Báo Lao Động đã có bài phản ánh về tình trạng ở Hà Nội có một số “điểm đen” mà các tài xế công nghệ không dám đến đón khách. Cho đến nay, tình trạng này vẫn còn tồn tại. Nhiều trường hợp lái xe công nghệ đến đón khách đã bị dọa nạt, thậm chí bị đánh…

Ngày 13.3, chúng tôi quay trở lại những khu vực như: Điểm xe buýt của tòa nhà Tân Hoàng Minh (trên đường Khuất Duy Tiến - Hà Nội); cổng chính của Bệnh viện Nhi Trung ương… nơi mà các tài xế xe moto công nghệ như GrabBike, Goviet, Bebike ví von là “điểm đen” khi đón khách. Sở dĩ các tài xế nói như vậy là vì khi đến đây đón khách thường dọa nạt thậm chí là bị đánh cảnh cáo…

9h30 phút, ngày 13.3, tôi đứng ở điểm xe buýt của tòa nhà Tân Hoàng Minh (trên đường Khuất Duy Tiến - Hà Nội) và mở ứng dụng GrabBike để bắt xe. Vừa rời ứng dụng thì điện thoại đổ chuông, đầu dây bên kia một nam thanh niên cất giọng nhỏ nhẹ “anh đặt xe Grab à?. Anh đón ở đoạn nào?. Sau khi nghe tôi nói điểm đón, người này bảo “anh có thể đi lên phía trên một chút được không?...”. Tài xế này cho rằng, sở dĩ phải đi ra điểm đón đó là do cánh xe ôm truyền thông họ hay bắt nạt, thậm chí còn đánh.

Tài xế Vũ Anh Tú (chủ xe BKS 98D1-089.xx) chia sẻ, ở những “điểm đen” này nếu tài xế xe công nghệ đến đón khách thì hầu như ai cũng bị dọa nạt. Nếu có khách thì phải nhờ họ đi ra một nơi khách mới dám đón. “Nếu nó bảo nhẹ rồi mình đi thì không sao, nhưng mình mà cãi và chống lại là dính đòn. Rất may là tôi chưa bị đánh, nhưng cách đây mấy tháng, đồng nghiệp của tôi đã bị đánh vào đầu”, Tú nói.

Cũng theo Tú, trước những sự việc nhiều tài xế xe ôm công nghệ bị đánh nên giờ không ai dám dừng đón khách ở đây. Có nhiều lúc khi thấy địa điểm của khách đón ở đây nhiều lái xe phải hủy chuyến.

Thị phần giảm, áp lực cạnh tranh tăng lên khiến một bộ phận xe ôm truyền thống có thái độ cực đoan với tài xế GrabBike, Goviet, Bebike là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Sự việc đã diễn ra công khai một thời gian dài nhưng cánh tài xế xe ôm công nghệ chỉ biết chấp nhận để làm ăn.

Trần Hữu Anh (SN 1994, quê Thanh Hóa) là một lái xe GrabBike lâu năm và từng trải. Nhưng theo Hữu Anh, đến thời điểm này sợ nhất vẫn là nhận được yêu cầu của khách hàng khi đón ở những “điểm đen”. Có nhiều lúc phải chấp nhận hủy chuyến.

Ở khu vực tòa nhà Tân Hoàng Minh (trên đường Khuất Duy Tiến - Hà Nội) luôn tập trung nhiều xe ôm truyền thống. Ảnh Cao Nguyên

Vào cuối tháng 8.2019, báo chí cũng đã ghi lại được những hình ảnh về việc một tài xế Grab bị đánh tới tấp khi đến khu vực cổng chính của Bệnh viện Nhi trung ương để bắt khách.

Trò chuyện với khá nhiều tài xế xe ôm công nghệ, họ cho rằng việc “lộng quyền” này phần lớn đều có sự bảo kê và cánh xe ôm truyền thống tự tạo ra quyền lực. Họ cho biết, do “độc quyền” địa điểm nên họ thường hét với giá rất cao cho mỗi chuyến đi. Nhiều người đặt xe ôm công nghệ bị từ chối nên dù đắt gấp đôi nhưng khách vẫn phải đành ngậm ngùi chấp nhận.

Trước tình trạng này, một số hãng đã chủ động làm việc với cơ quan chức năng, đồng thời đề nghị các bến xe, nhà ga hỗ trợ cho tài xế xe ôm công nghệ trong việc đưa, đón khách đặt qua ứng dụng.

Cũng về vấn đề này, trao đổi với Lao Động một lãnh đạo công an phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, đến thời điểm này phía phường chưa nhận được phản ánh nào về việc lái xe ôm công nghệ bị đánh ở đây. Tuy nhiên, nếu có thông tin phản ánh chúng tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý nghiêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn