MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Logo của Hiệp hội Bridge & Poker VN (giữa) và logo các CLB thành viên. Đồ họa: LN.

Những “đứa con hư” Poker vẫn quyết “ngồi” lên quy định của hiệp hội?

N.P.V LDO | 26/07/2017 17:59
Mặc dù bút phê trên văn bản vừa ban hành của Hiệp hội Bridge & Poker VN với nội dung "siết chặt quy chế hoạt động" còn chưa ráo mực, nhưng thực tế diễn ra lại cho thấy, quy định này dường như chẳng hề có chút tác dụng, ít nhất là với chính "những đứa con hư" của hiệp hội.

Trên chỉ đạo, dưới bất tuân

Như Báo Lao Động đã thông tin, tính đến thời điểm hiện tại, Hiệp hội Bridge & Poker VN có 4 câu lạc bộ (CLB) thành viên và đều đặt tại Hà Nội. Mặc dù trên danh nghĩa là chủ quản, nắm trong tay những quyền mang tính sống còn đối với hoạt động của thành/hội viên (đặc biệt là trong bộ môn mới và gây nhiều dị nghị như Poker), nhưng trên thực tế, mối liên kết giữa hiệp hội với thuộc cấp diễn ra vô cùng lỏng lẻo và thậm chí trên bảo, dưới chẳng buồn nghe.

Thực vậy, sau khi Báo Lao Động tiếp tục đăng tải thông tin phản ánh sự bất tuân của các CLB thành viên với mệnh lệnh từ Hiệp hội Bridge & Poker VN, tổ chức này mới vội vã ra thêm văn bản gửi tới các cơ quan chức năng đề nghị được phối hợp trong công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật của nhà nước cũng như quy định của hiệp hội tại các CLB thành viên.

Cụ thể, công văn ban hành ngày 19.7 do ông Nguyễn Hồng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội - nêu rõ: “Hiệp hội kính đề nghị UBND phường là đơn vị cấp phép và quản lý hoạt động của CLB kiểm tra tình hình hoạt động của CLB. Nếu đúng là CLB vi phạm quy định của hiệp hội, vi phạm quy định của pháp luật, mong UBND phường có công văn xác nhận gửi cho hiệp hội để hiệp hội có căn cứ áp dụng các hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc khai trừ tư cách hội viên tổ chức tùy theo mức độ vi phạm…”.

Văn bản vừa ban hành của Hiệp hội Bridge & Poker VN đề nghị siết chặt quy chế hoạt động. Ảnh: LN.

Tuy nhiên, khi bút phê còn chưa ráo mực, trong 3 ngày liên tiếp từ ngày 21 đến 23.7, nhóm PV Báo Lao Động đã nhiều lần khảo sát tại cả 4 CLB thành viên và nhận thấy mệnh lệnh đanh thép của hiệp hội chẳng khiến tình trạng thay đổi.

Thậm chí trong 3 ngày khảo sát, do có 2 hôm là cuối tuần, khiến lượng khách tới chơi tại các CLB tăng đáng kể, vẫn chơi theo thể thức đóng phí - lãnh thưởng. Trên fanpage của các CLB, lịch thi đấu khá dày đặc vẫn được giữ nguyên, mức phí để tham dự vẫn niêm yết công khai, từ vài trăm đến hàng triệu đồng/lượt.

Theo quan sát, Win Poker Club (67 Phó Đức Chính) và Loyal Poker Club (D2 Giảng Võ) thường đông khách vượt trội so với 2 CLB còn lại là Capital Poker Club (36 Hàng Trống) và King Poker Club (319 Tây Sơn). Theo các dân chơi, lý do là bởi tại Win và Loyal, có nhiều mức phí thi đấu đầu vào đa dạng, nhiều tour gối nhau, giảm thiểu thời gian chờ đợi nếu chẳng may bị bật bãi...

Loyal Poker Club tại D2 Giảng Võ luôn đông nghẹt khách chơi. Ảnh: NPV.

Chiều 23.7, một nhân viên phục vụ tại Loyal Poker D2 Giảng Võ cho PV Báo Lao Động biết, mấy ngày qua, CLB lúc nào cũng đông nghẹt người. Hiện tại, số lượng người tham gia đông tới mức nếu đúng lịch thì giải D600 (đóng phí 600.000 đồng) sẽ diễn ra lúc 18h tối nhưng ngay từ 16h30, do số lượng đăng ký đã quá đông nên buộc lòng phải chạy trước 1 tiếng rưỡi.

Bàn đánh bài chật kín khách

18h, cũng tại Loyal là trận chung kết giải 2.4M (mức đóng phí 2,4 triệu đồng) đang vào giai đoạn quyết liệt nhất khi chỉ còn 4 người. 30 phút sau, 1 tay chơi quen mặt bị thua sấp mặt sau cú all in bất thành. 3 người chơi còn lại đã có 1 quyết định bất ngờ là đếm chip để phân biệt thứ hạng.

Một người chơi đóng phí tại quầy thu ngân Loyal Poker Club với hy vọng thắng giải lớn. Ảnh: NPV.

Sau màn đếm chip, một thanh niên tên Trung giành giải nhất với số tiền 85,839 triệu đồng. 2 thứ hạng tiếp theo lần lượt nhận thưởng 63.356 triệu đồng và 49.703 triệu đồng tiền mặt. Đến 19h30 tối, tất cả các bàn ở Loyal Poker đều đã được phủ kín nhưng phía ngoài cửa vẫn ùn ùn người kéo đến...

Tại King Poker Club, sáng thứ 7 (ngày 22.7), diễn ra giải 3M, chiều diễn ra giải 2M, tối cùng ngày diễn ra giải 780.000 đồng. Trên Fanpage của CLB, lịch thi đấu vẫn được cập nhật thường xuyên phục vụ người chơi.

Tương tự, tại Win Poker Club, số lượng người chơi cũng rất đông đảo, các bàn đánh bài chật kín. Đỉnh điểm có những giải đấu với số lượng người chơi lên đến 35. Một nhân viên ở đây cho biết, mọi hoạt động của CLB vẫn diễn ra bình thường. CLB sẽ có thêm lịch tập huấn, tuy nhiên "nguồn sống" chủ yếu vẫn là hình thức chơi tournament với mức đóng phí lượt từ 240.000 – 2.400.000 đồng.

Người chơi liên tục đóng tiền mặt để được tham gia các giải đấu của Win Poker Club tổ chức với hy vọng ẵm giải thưởng lớn. Ảnh: NPV.
2 người chơi lĩnh thưởng "khủng" nhờ thắng giải D480 (mức đóng phí 600 nghìn đồng) tại Win Poker Club. Ảnh: NPV.

Còn tại Capital Poker, dù gần đây vắng khách hơn trước nhưng các giải đấu ở đây vẫn diễn ra bình thường. Trong ngày chủ nhật (23.7) vẫn diễn ra các giải 3M, 5M diễn ra với mức phí là 3 triệu đồng và 5 triệu đồng. Ngoài ra, CLB còn tổ chức bốc thăm trúng thưởng cho các “vận động viên” tham gia giải 5M với giải thưởng giá trị lên tới 10.000.000 đồng...

Liên quan đến sự bất tuân của các CLB Poker dù văn bản siết chặt quy chế chỉ vừa được ban hành trước đó không lâu, trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng cho biết, hiệp hội đã làm hết trách nhiệm và khẩn thiết đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần mạnh tay xử lý. Trước câu hỏi của PV, thông tin phản ánh từ báo chí có được coi là căn cứ để hiệp hội xử lý thành/hội viên vi phạm hay không, hiện ông Hồng chưa có câu trả lời chính thức.

Báo Lao Động sẽ tiếp tục thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn