MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng trong buổi thực hành điện lạnh (ảnh minh họa)

Những học sinh... ngược dòng

NGUYỄN MINH THANH LDO | 07/06/2016 16:37
Mặc dù điểm đầu vào lớp 10 tại các trường THPT ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) rất thấp, có trường chỉ 13 điểm 3 môn (Toán, Ngữ Văn, Anh Văn) thi tuyển sinh lên lớp 10 năm học 2015-2016, có rất nhiều học sinh trường tôi năm nay không thi. Đây là những em học sinh có học lực tương đối thấp, cùng một số học sinh ham chơi không muốn tiếp tục bị "đày ải" học lý thuyết trên ghế trường trung học. Ai cũng nghĩ với chỉ 13 điểm thôi, có gì khó đâu mà tội gì không thi, tội gì không tiếp tục học để lấy cái bằng tốt nghiệp cấp 3! Nhưng để có những học sinh chạy "ngược dòng" như thế không hề dễ dàng gì.

Các em chọn cho mình một lối đi rất khác với đa số: Chọn học nghề. 

Với tính sĩ diện, ham bằng cấp của rất nhiều phụ huynh, việc cho con cái đi theo con đường học nghề là rất khó chấp nhận. Các bậc phụ huynh nghĩ con mình còn quá nhỏ để bước vào đời vào nghề, không chắc có làm nổi trò trống gì không... Có quá nhiều lo lắng cho tương lai các em. 

Mặc dù, một số phụ huynh là tri thức và suy nghĩ tích cực cho rằng học một cái nghề làm vốn là điều hay, nhưng mới chỉ hết tuổi 14-15 liệu các bạn trẻ học sinh ấy có đầy đủ tri thức, có nhận thức, có vốn sống và có thiếu bền vững với sự lựa chọn lúc non trẻ hay không, nên đa phần họ tiếp tục cho con đi học ở bậc THPT, dù là loại hình trường lớp nào.

Còn một số phụ huynh có cách nhìn tiêu cực thì cho rằng, mấy đứa lêu lổng học hành không ra gì nên phải đi học nghề, không biết học nghề có làm đàng hoàng và làm tốt công việc được chăng. Họ lắc đầu ngao ngán cho mấy đứa "trẻ trâu" bồng bột nghỉ học giữa chừng.Những suy nghĩ trên của các phụ huynh không phải không có lý, và hơn ai hết những giáo viên những chuyên viên trong ngành giáo dục rất trân trọng. 

Song phải nhận thấy thực tế rằng, các em học sinh hay các cá thể trong xã hội luôn có năng khiếu, lợi thế, thế mạnh... ở các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau. Người thì có tài về toán, người có năng khiếu khoa học, người có năng khiếu văn nghệ, người có năng khiếu thể thao, người thích nghiên cứu, người thích thực nghiệm... Bởi thế, không thể đồng nhất một cách nhìn thiển cận rằng, thất bại trong công việc này sẽ không đủ tầm ở một công việc khác, không có năng khiếu bẩm sinh thì không thành tài...

Gần đây nhất, việc một tỉ phú Hoa Kỳ là Donald Trump từ hoạt hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh sang vận động trang cử vị vị trí Tổng thống, một công việc thuộc lĩnh vực chính trị hoàn toàn mới mẻ (xin giải thích rằng ở các nước phương tây thì chính trị gia là một nghề). Việc Donald Trump có trở thành tổng thống Hoa Kỳ hay không, có làm tốt công việc của một chính trị gia hay không thì còn là chuyện tương lai. Nhưng từ đó có thể rút ra một nhận xét, mỗi cá nhân có lựa chọn riêng cho mình, chỉ cần đó là công việc mà họ yêu thích và công việc đó có ích cho mình và xã hội thì hãy để họ có trách nhiệm với sự lựa chọn của họ.

Quay trở lại với việc các học sinh từ giã mái trường trung học bước chân vào trường nghề là sự cố gắng "lái" các em đi vào con đường thực tế hơn trong việc chọn nghề phù hợp với mong muốn của bản thân của các thầy cô giáo tại các trường THCS. 

Những giáo viên năm này qua năm khác tiếp xúc và nắm rõ thiên hướng của học trò mình đã cho các em thấy tất cả các hướng đi mà các em có thể có được. Và, khi các em chọn nghề sửa xe ôtô, chọn nghề mộc, chọn nghề tài xế... là các em thấy vui vì học xong các em có việc làm ngay, các em có thể phụ giúp gia đình một trong các nghề trên hay là tham gia lực lượng lao động ngay trong các cơ sở đã đào tạo ra các em.

Và, khi biết bao cử nhân, thạc sĩ ra trường thất nghiệp vì không phù hợp với đòi hỏi yêu cầu của công ty, doanh nghiệp thì các em học sinh học nghề đã tự tay kiếm ra đồng tiền cho bản thân và gia đình, tự tay gián tiếp tạo ra năng suất lao động, giảm phụ thuộc gia đình và giảm ngân sách nhà nước trợ cấp cho các em. Lợi cả nhiều đường.Phải nhắc lại một hướng đi trong xã hội tương lai mà hiện tại đã thấy là một xã hội học tập suốt đời và ai cũng có cơ hội tiếp xúc học tập với những kiến thức bất tận và cập nhật thường xuyên. Như thế có nghĩa là một ngày nào đó, các cá nhân có nhu cầu thay đổi công việc hay kiếm tìm thử thách mới trong một lĩnh vực khác thì các cá nhân đó sẽ luôn thực hiện được. Ví dụ, các em có thể vừa học nghề vừa có thể có bằng THPT sau hai năm học ở trường nghề, một ngày nào đó có nhu cầu thi đại học các em vẫn bình đẳng như các đối tượng khác.

Vậy nên, hiện tại các học sinh hết lớp 9 đi học nghề là chuyện thường. Nhưng cũng phải nói lại một điều để củng cố cho những luận bàn ở trên đây là thị trường lao động phải minh bạch, thông tin về nhu cầu sử dụng lao động phải công khai, cơ quan nhà nước phải có khả năng dự báo chính xác về các đầu việc mà các doanh nghiệp đặt hàng, có khả năng điều tiết và hướng nguồn lao động dịch chuyển từ khu vực này tới khu vực khác trong sự vận động của thị trường. Điều đó cho thấy các cơ quan chức năng trong Bộ LĐ TB&XH rất quan trọng, nếu Bộ này không làm được những công việc trên có chất lượng thì sự cố gắng phân luồng của ngành giáo dục sẽ đổ sông đổ biển.

NGUYỄN MINH THANH huyện Bình Chánh TP.HCM


 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn