MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những người vô gia cư không bao giờ ăn xin

LƯƠNG HẠNH LDO | 07/02/2023 09:34
Trong khi không ít người ăn xin lợi dụng lòng thương cảm của người khác để trục lợi thì đâu đó vẫn còn những mảnh đời bất hạnh, những người vô gia cư cố gắng tìm kế mưu sinh trên khắp các nẻo đường Hà Nội.

Giữa những ánh đèn lấp lánh, phồn hoa của thành phố Hà Nội, không khó để bắt gặp những người vô gia cư dọc các tuyến đường quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên… Từng góc phố, đều có thể trở thành nơi kiếm sống của những người lao động từ các tỉnh lẻ đổ về.

Khốn khổ và cô độc là những từ ngắn gọn nhất để miêu tả cuộc sống của họ. Ở độ tuổi "gần đất, xa trời", đáng nhẽ ra những người này phải được vui vầy bên con cháu, tận hưởng tuổi già. Vậy mà khi phố lên đèn, người thì tất tả với cuộc sống mưu sinh, người lại chọn gầm cầu, vỉa hè làm nơi trú ngụ sau một ngày dài kiếm kế sinh nhai. 

Ông Đoàn Công Nghênh (67 tuổi, quê Thanh Hóa) đã làm nghề đánh giày tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được gần 40 năm. Mỗi ngày, từ chập tối đến sáng sớm hôm sau, ông tất tả mưu sinh. 

Ông Nghênh (bên trái) đã hành nghề đánh giày nhiều năm. Ảnh: Lương Hạnh

"Một đôi giày tôi kiếm được trung bình từ 20.000 - 35.000 đồng. Ngày nào cũng như ngày nào, mùa đông hay mùa hè như nhau. Tuy vất vả nhưng có đồng ra đồng vào phòng lúc ốm đau, bệnh tật không phải nương tựa vào ai" - ông Nghênh nói.

Nhiều lần, ông Nghênh được các đoàn thiện nguyện tặng cơm và trao quà. Ngoài sự biết ơn với những tấm lòng thơm thảo, ông còn khẳng định: "Tôi khỏe ngày nào là tự kiếm ăn ngày ấy, không bao giờ đi ăn xin".

Không nhà cửa, không gia đình thân thích, bà Lê Thị Mão (53 tuổi, Quảng Xương, Thanh Hóa) đã hành nghề bán hàng rong nhiều năm nay tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Từng được Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 Hà Nội đưa về chăm sóc, thế nhưng bà Mão không muốn "ăn không ngồi rồi", bà xin phép rời trung tâm, trở lại cuộc sống mưu sinh hàng ngày. 

Bà Mão với giỏ hàng rong ruổi khắp các con phố. Ảnh: Lương Hạnh

"Ở trung tâm thì không phải lo miếng ăn, chốn ở nhưng còn sức khỏe, tôi muốn được lao động. Khi làm việc mới có cảm giác mình được sống. Đi bán hàng thế này thì vất vả, dãi nắng dầm mưa, kiếm được bao nhiêu để thuê phòng và chi tiêu cho sinh hoạt, ăn uống cũng hết" - bà Mão tâm sự.

Dù tuổi đã cao, phải sống một mình nhưng ông Thịnh (84 tuổi, Phủ Lý, Hà Nam) cũng nhất định không vào viện dưỡng lão hay về quê sinh sống. Ông cùng chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi, nhặt ve chai nhiều năm nay.

"Đi lại, làm việc như thế này lại khỏe hơn, vất vả thì chịu vậy chứ vào viện dưỡng lão làm gì. Hàng ngày, tôi nhặt phế liệu từ sáng sớm đến 7h tối mệt về nằm ngủ nhờ trên hiên nhà dân. Người dân thương họ cho ngủ nhờ, chứ tôi lấy đâu ra tiền mà thuê trọ” - ông Thịnh nói.

Ông Thịnh được nhiều đoàn thiện nguyện giúp đỡ. Ảnh: Lương Hạnh

Bữa ăn thường ngày của ông là gói cháo ăn liền, mì gói, hôm tươm tất lắm mới được suất cơm 15 nghìn đồng. Dù cuộc sống khó khăn nhưng nụ cười vẫn thường trực trên gương mặt già nua của người đàn ông này. 

"Tôi cũng từng được nhóm tình nguyện thương cảm nên ngỏ ý muốn thuê cho một căn nhà trọ tránh mưa tránh nắng. Nhưng làm thế thì phiền các anh, các chị quá, còn người khổ hơn tôi nhiều" - ông Thịnh tâm sự. 

Chiếc xe đạp là tài sản quý giá duy nhất của ông Thịnh. Ảnh: Lương Hạnh

Trong đêm Hà Nội vắng lặng, mặc cho những dòng người đang tất bật di chuyển để trở về nhà, chỉ có những người vô gia cư vẫn còn lang thang khắp mọi nẻo đường. Dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng mỗi khi nhận được sự giúp đỡ của những tấm lòng thơm thảo, họ như được tiếp thêm niềm tin vào cuộc sống...

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề này bằng cách gửi email về Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn