MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, mức lương phải đáp ứng được yêu cầu cuộc sống. Ảnh: Trần Vương.

Những nhân viên bị lãng quên trong ngành Giáo dục: Lương bằng nửa giáo viên, sao sống được bằng nghề?

NHÓM PV LDO | 11/10/2023 06:10

Những viên chức, lao động hợp đồng là kế toán trong các trường học rất cần sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ của lãnh đạo các cấp, để họ có thể sống bằng nghề, cống hiến cho ngành giáo dục.

Phụ hồ nuôi con, lấy gì cống hiến?

Trước phản ánh của Báo Lao Động về việc các nhân viên kế toán trường học có mức lương thấp, chế độ phụ cấp ít ỏi, không đủ lo cho cuộc sống, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, nhân viên kế toán trong trường học là những viên chức, lao động hợp đồng, công tác trong lĩnh vực giáo dục, họ là một bộ phận quan trọng của nhà trường. Tuy nhiên, mức lương hiện nay thấp, chủ yếu là lương theo chế độ, còn phụ cấp không đáng kể, do vậy khó có thể lo cho cuộc sống.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, giáo viên còn có phụ cấp đứng lớp, thâm niên và các loại phụ cấp khác, còn nhân viên kế toán gần như chỉ có lương. Trong cùng một ngành, có đối tượng thì được hưởng trợ cấp này, trợ cấp khác, nhưng có những đối tượng không được hưởng trợ cấp, hoặc được hưởng ít, điều này tạo ra sự bất hợp lý ngay trong một môi trường công tác.

Theo ông Dĩnh, nên giảm phụ cấp đối với các đối tượng, phụ cấp chỉ nên chiếm 30%, còn lại 70% là lương, có như vậy mới tạo ra sự công bằng, người lao động yên tâm cống hiến. “Lương phản ánh đúng giá trị, sức lao động, mức lương của người lao động phải đáp ứng được yêu cầu cuộc sống” – ông Dĩnh nói.

Nhiều nhân viên kế toán trường học phải làm đủ nghề “tay trái” để trang trải cuộc sống. Ảnh: Lương Hạnh.

"Lương phải đảm bảo nhu cầu con người, trong đó có ăn ở, vui chơi giải trí, học hành… để lương là động lực cống hiến, hăng say lao động, tạo ra năng suất, hiệu quả và sáng tạo. Việc đầu tư cho lương là cần thiết. Đầu tư cho lương cũng chính là đầu tư cho con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể. Nhưng nếu không đáp ứng được lương thì lấy đâu ra trung tâm, chủ thể…

Do vậy, lương phải đảm bảo mức sống của người lao động ở mức khá. Như kế toán trường học, muốn sống bằng nghề, ít nhất mức lương phải ở mức khá, có như vậy họ mới yên tâm cống hiến” – ông Dĩnh nhấn mạnh.

Quan tâm hơn nữa đến kế toán trường học

Trao đổi với Báo Lao Động, Luật sư Quách Thành Lực, đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay, trong cùng một lĩnh vực, ngành nghề công tác, người lao động được hưởng chế độ lương, phụ cấp khác nhau. Điển hình như trong tuyến bài kế toán trường học Báo Lao Động phản ánh, dù công tác trong cùng ngành giáo dục, nhưng mức lương, phụ cấp của giáo viên và kế toán trường học cũng có sự khác biệt lớn.

Theo Luật sư Quách Thành Lực, đối với giáo viên ngành Giáo dục thuộc các bậc học, hưởng phụ cấp ưu đãi ngành theo từng cấp học theo Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BTC là 35-50% từ cấp mầm non đến tiểu học, THCS, THPT.

Đối với nhân viên Y tế trường học, hưởng 20% theo Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4.7.2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập và Thông tư liên tịch số 204/2004/NĐ-CP ngoài mức lương theo hệ số, khu vực, chức vụ, vượt khung thì đều được hưởng thêm phụ cấp ngành, phụ cấp thâm niên nghề với mức tổng phụ cấp được hưởng từ 20-50%, thậm chí lên tới 90%.

Còn đối với nhân viên kế toán trường học thì không được hưởng. Do vậy, cùng công tác trong ngành Giáo dục, có thâm niên công tác giống nhau, nhưng tiền lương của nhân viên kế toán trường học so với giáo viên hoặc nhân viên khác có mức chênh lệch khá lớn.

Luật sư Lực lấy ví dụ: Một kế toán trường học công tác 15 năm với mã ngạch 06.032 kế toán viên trung cấp, có hệ số lương 3,26+0,1 (phụ cấp thâm niên kế toán nếu có chứng chỉ kế toán trưởng) thì lương thực nhận là 5.251.860 đồng (chưa tính BHXH). Mức lương này tương đương với mức lương giáo viên trung cấp bậc 2 (đi làm 3 năm) có hệ số 2,26+50% ưu đãi ngành, lương nhận là 5.562.000 đồng; bằng "già nửa" giáo viên có cùng thâm niên 15 năm công tác, với hệ số lương 3,26+50% ưu đãi nghề + 14% thâm niên nghề, mức thực lĩnh 9.623.520 đồng. Như vậy, kế toán trường học đi làm 15 năm lương chỉ bằng giáo viên đi làm chưa đầy 3 năm và bằng hơn một nửa giáo viên có cùng thâm niên công tác.

Do đó, theo Luật sư Lực, các nhân viên kế toán trường học rất cần sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ của ngành giáo dục, cũng như các cơ quan chức năng liên quan, để mức lương có thể đảm bảo cuộc sống, yên tâm cống hiến, vì sự nghiệp giáo dục đào tạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn