MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng lương hưu mang đến niềm vui đối với người già. Ảnh: Quế Chi

Niềm vui tăng lương hưu từ gần 4 triệu đồng lên 7 triệu đồng

Bạn đọc Nguyễn Đước LDO | 27/07/2024 16:00

Sau những đợt tăng lương hưu hàng năm, nhiều người nghỉ hưu rất vui mừng vì lương hưu đã tạm thời đủ chi tiêu, cuộc sống bớt khó khăn so với trước đây.

Lần tăng lương hưu vào ngày 1.7 vừa qua được coi là mức tăng cao nhất qua 23 lần điều chỉnh lương hưu. Rất nhiều trường hợp người lao động về hưu với mức rất thấp, qua những đợt điều chỉnh hàng năm, hiện mức lương hưu đã được cải thiện rõ rệt.

Ông Bùi Xuân Chính (sinh năm 1960, thường trú tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) là một trường hợp như vậy.

Tháng 5.1986, ông Chính xin vào làm công nhân thợ sắt tán cho một doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau hàng chục năm công tác, vào tháng 6.2015, ông đủ tuổi nghỉ hưu (55 tuổi) với thời gian tham gia bảo hiểm xã hội là 31 năm 9 tháng. Trong đó, thời gian ông làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại là 23 năm 8 tháng.

Ông Bùi Xuân Chính vui mừng vì được tăng lương hưu. Ảnh: NVCC

"Thời điểm mới về hưu, lương hưu của tôi rất thấp, chỉ vỏn vẹn hơn 3,9 triệu đồng/tháng. Đó là tôi đã được hưởng mức lương hưu tối đa là 75%. Đối với thời gian đóng thừa bảo hiểm xã hội 1 năm, 9 tháng, tôi được cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả lại tiền trợ cấp là hơn 5,2 triệu đồng" - ông Chính nhớ lại.

Do mức lương hưu quá thấp, ông vẫn xin cơ quan cho tiếp tục làm hợp đồng thời vụ để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.

Trải qua nhiều lần tăng tiền lương hưu mỗi năm, đặc biệt là đợt điều chỉnh, tăng tiền lương hưu vừa qua, mức tiền lương hưu hàng tháng của ông hiện nay là hơn 7 triệu đồng/tháng.

Ông bảo rất vui vì được tăng lương hưu. Với thu nhập từ tiền lương hưu hàng tháng như hiện tại, ông cho hay, nếu biết “gói ghém” cũng đủ chi tiêu, trang trải cho cuộc sống, đỡ chật vật hơn rất nhiều so với những năm trước.

Ông Chính mong muốn chính sách điều chỉnh tăng tiền lương hưu qua mỗi năm cần được giữ ở mức tăng 15% hoặc cao hơn như vừa qua để những người về hưu và có mức lương hưu thấp sẽ tăng cao hơn, cuộc sống sẽ bớt khó khăn hơn.

Tương tự là trường hợp ông Hoàng Hữu Nhơn (sinh năm 1960, thường trú tại đường Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh).

Trước đây, ông Nhơn làm công nhân cho một doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 4.2015, ông đủ điều kiện để nghỉ hưởng chế độ hưu trí theo quy định thời điểm đó với tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 37 năm 11 tháng, trong đó có 18 năm 2 tháng làm công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.

Mức lương tại thời điểm nghỉ hưu của ông cũng rất thấp, chỉ vỏn vẹn hơn 3,9 triệu đồng/tháng. Hiện nay, mức lương hưu qua chục lần được Nhà nước, Chính phủ điều chỉnh tăng tiền lương hưu, đặc biệt là sau lần tăng tiền lương hưu vừa qua, mức lương hưu của ông hiện nay cũng đã gần 7,3 triệu đồng một tháng.

Cũng như ông Chính, ông Nhơn mong muốn mức điều chỉnh, tăng tiền lương hưu vào các năm sau Nhà nước, Chính phủ có thể giữ bằng hoặc cao hơn, để những người già đã về hưu nghỉ hưởng chế độ hưu trí như ông vui hơn với mức tiền lương hưu tăng cao, cải thiện cuộc sống.

Việc nghiên cứu, cân đối ngân sách, cân đối nguồn quỹ bảo hiểm xã hội để điều chỉnh tăng tiền lương hưu hàng năm ở mức cao nhất có thể là một chính sách rất nhân văn và vô cùng thiết thực đối với đời sống của những người lao động, người già đã nghỉ hưởng chế độ hưu trí, nhất là đối với những người có mức lương hưu còn thấp.

Chính sách lương hưu ngày càng thiết thực, nhân văn còn giúp giữ chân người lao động ở lại với “mạng lưới” an sinh xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn