MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang tồn tại 54 vụ vi phạm hành lang bảo vệ đề điều chưa được xử lý dứt điểm. Ảnh: NT

Ninh Bình: Buông lỏng xử lý để vi phạm hành lang an toàn đê điều kéo dài

DIỆU ANH LDO | 20/11/2021 13:42

Ninh Bình - Hiện nay, tình trạng vi phạm hành lang an toàn đê điều trên địa bàn tỉnh Ninh Bình diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt, có nhiều vụ vi phạm đã được phát hiện, lập biên bản xử lý từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn tồn tại chưa được giải quyết dứt điểm gây ảnh hưởng đến an toàn của các tuyến đê.

54 vụ vi phạm chưa được xử lý

Toàn tỉnh Ninh Bình hiện có gần 425km đê, trong đó bao gồm 1 tuyến đê cấp II, 8 tuyến đê cấp III, 5 tuyến đê cấp IV và 20 tuyến đê cấp V.

Hiện nay, tại các tuyến đê, nhiều đoạn đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, tại tuyến đê hữu sông Đáy, đoạn từ K0+000 nhiều đoạn mặt đê bị sụt lún, mái kè bị bong xô, dòng chảy ép sát gây xói lở tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.

Tương tự, tại tuyến đê tả sông Hoàng Long, đây là tuyến đê cấp III với tổng chiều dài gần 24km, theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình, hiện nhiều điểm trên tuyến đê này đã xuống cấp nghiêm trọng cần phải được xử lý khẩn cấp để phục vụ công tác phòng chống lụt bão.

Tuyến đê phòng lũ sông Hoàng Long bị nứt toác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đê điều. Ảnh: NT

Hay như tại tuyến đê tả Vạc và tuyến đê hữu Vạc... cũng trong tình trạng tương tự, nhiều đoạn đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình cho biết: Tính đến ngày 20.10, trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình còn tồn tại 54 vụ vi phạm hành lang an toàn đê điều liên quan đến 29 tổ chức và 25 cá nhân. Trong đó, nhiều nhất là tại huyện Yên Khánh với 18 vụ, Gia Viễn 12 vụ, Nho Quan 8 vụ...

Nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng lán trại, nhà xưởng trong khu vực hành lang bảo vệ đề điều nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Ảnh: NT

"Nguyên nhân xảy ra tình trạng vi phạm là do ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của một số cá nhân và tập thể còn chưa nghiêm, thậm chí có những trường hợp cố tình vi phạm kéo dài, xây dựng lán trại, nhà nhà xưởng, bãi tập kết vật liệu... trong hành lang bảo về đê. Bên cạnh đó là tình trạng xe quá khổ, quá tải thường xuyên chạy trên các tuyến đê khiến nhiều đoạn bị xuống cấp nghiêm trọng" - ông Bình nói.

Bất lực trong xử lý vi phạm

Có thể thấy, tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê đã được các ngành chức năng của tỉnh Ninh Bình kiểm tra, phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, việc xử lý đối với những tổ chức và cá nhân vi phạm thì còn nhiều bất cập.

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, trong số 54 vụ vi phạm về hành lang bảo vệ đê thì hầu hết là những vụ vi phạm cũ, tồn tại từ nhiều năm trước và đã bị các ngành chức năng lập biên bản xử phạt hành chính, yêu cầu tháo dỡ hoặc đình chỉ hoạt động nhưng đến nay vẫn tồn tại.

Những bãi tập kết than, clinke trong khu vực bảo bệ hành lang đê điều tại khu vực đê sông Đáy thuộc địa bàn xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh. Ảnh: NT

Cụ thể như: Công ty TNHH vận tải và thương mại Thịnh Gia xây dựng lán tạm trong hành lang thoát lũ từ năm 2014; lắp đặt máng rót, xây dựng trụ cẩu, tập kết vật liệu xây dựng trong hành lang thoát lũ; Cảng của Nhà máy xi măng The Vissai - Xây dựng các hạng mục không có trong văn bản thỏa thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như: nhà điều hành, nhà bảo vệ, nhà để xe, tường bao... trong hành lang bảo vệ đê.

Tuyến đê hữu sông Đáy đoạn qua địa bàn xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) xuất hiện tình trạng sạt lở. Ảnh: NT

Tâm điểm của các vụ việc vi phạm hành lang đê phải kể đến khu vực bến, cảng thủy nội địa ở dọc tuyến đê hữu Đáy, địa phận (xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh) với những bãi tập kết than, clinke... kéo dài gần 3km, ngoài ra, các doanh nghiệp còn tự ý xây dựng nhà điều hành, xưởng sản xuất, cảng bốc xếp hàng hóa, lán trại… ngay trong khu vực hành lang bảo vệ đê, gây mất an toàn đê điều, ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ.

Ngành chức năng tỉnh Ninh Bình cho đổ trụ bê tông để hạn chế xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đê tả sông Hoàng Long nhưng đã bị đập bỏ. Ảnh: NT

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình cũng thừa nhận hầu hết các vụ vi phạm hành lang bảo vệ đê điều trên đại bàn tỉnh đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Việc xử lý mới chỉ dừng lại ở mức kiểm tra, lập biên bản xử phạt hành chính, thiếu giám sát việc chấp hành của các tổ chức, cá nhân vi phạm sau khi đã lập biên bản xử lý.

"Để xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, vào chiều ngày 18.11 vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức phiên họp giải trình về thực trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Tại phiên họp giải trình, đại diện các ngành chức năng đã nêu rõ thực trạng, tình hình vi phạm hành lang bảo vệ đê, các biện pháp đã xử lý, những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đê điều, các giải pháp và kiến nghị, đề xuất để khắc phục, ngăn chặn tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đề điều trong thời gian tới" - ông Bình nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn