MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung tâm dạy nghề huyện Gia Viễn (Ninh Bình) xây dựng dở dang, bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: NT

Ninh Bình: Hàng loạt trung tâm dạy nghề bị bỏ hoang, sử dụng sai mục đích

DIỆU ANH LDO | 25/08/2022 16:32

Ninh Bình - Trong giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh Ninh Bình đã triển khai đầu tư xây dựng nhiều trung tâm dạy nghề ở các huyện trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sau khi xây dựng, hầu hết trung tâm này đều rơi vào tình trạng bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích.

Theo đó, thực hiện Quyết định 1956/QĐ - TTg ngày 27.11.2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", trong giai đoạn từ 2010 - 2015, địa bàn tỉnh Ninh Bình có 7 trung tâm dạy nghề cấp huyện, thành phố được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí trên 80,3 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là trên 66,3 tỉ đồng, còn lại là ngân sách của tỉnh.

Tiếp đến, trong giai đoạn từ 2016 - 2020, các trung tâm dạy nghề này tiếp tục được đầu tư thêm hơn 17,7 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương để hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy nghề cho lao động nông thôn.

Trung tâm dạy nghề huyện Hoa Lư sau thời gian dài bỏ hoang, mới đây, UBND huyện Hoa Lư đã giao cho Trung tâm vệ sinh môi trường huyện mượn. Ảnh: NT

Tuy nhiên, nhiều trung tâm dạy nghề sau khi được hoàn thiện và đi vào hoạt động nhưng không hiệu quả, nhiều trung tâm phải đóng cửa bỏ hoang, hoặc sử dụng sai mục đích. Thậm chí, có những trung tâm đến nay vẫn chưa xây dựng xong.

Đặc biệt là từ tháng 8.2017, tất cả trung tâm dạy nghề này đã được sáp nhập với trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Sau khi sáp nhập, hầu hết cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc được chuyển về trụ sở của Trung tâm giáo dục thường xuyên (cũ) để hoạt động. Chính vì vậy, nhiều trụ sở của trung tâm dạy nghề bị bỏ hoang, hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Cụ thể, tại Trung tâm dạy nghề huyện Gia Viễn (Ninh Bình) được đầu tư xây dựng vào năm 2011, với tổng vốn đầu tư hơn 9 tỉ đồng tại thị trấn Me (huyện Gia Viễn). Sau 3 năm xây dựng, đến cuối năm 2014, khi công trình hoàn thành gần 90% hạng mục với tường bao và dãy nhà 2 tầng kiên cố gồm 12 phòng chức năng. Nhưng kể từ năm 2014 đến nay, dự án bỗng nhiên dừng lại và bị bỏ hoang.

Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Gia Viễn, nguyên nhân dẫn đến việc dự án chậm tiến độ là do thiếu vốn. Bên cạnh đó, từ năm 2017, tỉnh Ninh Bình thực hiện việc sáp nhập các trung tâm dạy nghề của huyện và trung tâm giáo dục thường xuyên. Sau khi sáp nhập thì chuyển về trụ sở của Trung tâm giáo dục thường xuyên trước đây để hoạt động.

"Hiện tại, huyện đã bố trí được nguồn kinh phí và đang tiếp tục hoàn thiện những hạng mục còn lại. Sau khi hoàn thiện sẽ bàn giao lại cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện quản lý và sử dụng, dự kiến sẽ hoàn thiện trong tháng 9.2022" - đại diện lãnh đạo huyện Gia Viễn nói.

Còn tại Trung tâm dạy nghề huyện Hoa Lư (Ninh Bình) được đầu tư xây dựng trên diện tích 5.000m2, bao gồm dãy nhà 2 tầng kiên cố, với 14 phòng học. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, trung tâm này đã phải đóng cửa, cỏ dại mọc tràn lan.

Trung tâm dạy nghề huyện Gia Viễn sau một thời gian dài xây dựng dở dang, bỏ hoang, đến nay, huyện Gia Viễn đang tiếp tục đầu tư để hoàn thiện các hạng mục còn lại. Ảnh: NT

Ông Nguyễn Sỹ Thiêm - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hoa Lư - cho biết: Sở dĩ trung tâm dạy nghề phải đóng cửa là do từ tháng 9.2017, trung tâm dạy nghề của huyện và trung tâm giáo dục thường xuyên sáp nhập lại làm một nên sau khi sáp nhập, chúng tôi chuyển qua làm việc tại trụ sở của Trung tâm giáo dục thường xuyên (cũ). Chính vì vậy mà thời gian qua, trung tâm dạy nghề của huyện phải đóng cửa để đấy.

Sau một thời gian dài bỏ hoang, mới đây, để tránh lãng phí, UBND huyện Hoa Lư đã giao cho Trung tâm vệ sinh môi trường huyện mượn để sử dụng làm nơi tập kết xe chở rác.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, hầu hết trung tâm dạy nghề tại các huyện như: Kim Sơn, Yên Khánh, thành phố Tam Điệp… cũng cùng chung tình trạng tương tự.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Vũ Đức Dương - Phó Trưởng Phòng Lao động - Việc làm - Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH tỉnh Ninh Bình) - cho biết, hầu hết trung tâm dạy nghề các huyện, thành phố trên địa bàn huyện sau khi sáp nhập với trung tâm giáo dục thường xuyên thì đều sử dụng trụ sở cũ của trung tâm giáo dục thường xuyên. Chỉ có một số huyện là sử dụng cả 2 trụ sở, riêng Trung tâm dạy nghề của thành phố Ninh Bình đã giải thể.

"Việc các trung tâm dạy nghề bỏ hoang hay sử dụng vào mục đích khác là trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố vì họ là đơn vị quản lý, chúng tôi chỉ quản lý về mặt chuyên môn" - ông Dương nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn