MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyến đê phòng lũ sông Hoàng Long bị nứt toác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đê điều. Ảnh: NT

Ninh Bình: Nhiều tuyến đê phòng lũ bị nứt toác, người dân bất an

DIỆU ANH LDO | 09/09/2021 21:51

Hiện nay, nhiều tuyến đê phòng lũ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang trong tình trạng mặt đê bị nứt toác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân khi mùa mưa lũ đang đến gần.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, địa bàn tỉnh Ninh Bình có tổng số 424,5km đê, trong đó gồm: 1 tuyến đê cấp II, 8 tuyến đê cấp III, 5 tuyến đê cấp IV và 20 tuyến đê cấp V. Hiện nay, một số tuyến đê có bề mặt bị nứt toác nhưng vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đê điều.

Những vết nứt sâu, kéo dài hàng chục mét. Ảnh: NT

Cụ thể, tuyến đê tả sông Hoàng Long có chiều dài gần 25km, chạy qua địa bàn 2 huyện Gia Viễn và Nho Quan (Ninh Bình). Đây là dự án trọng điểm, đóng vai trò quan trọng trong việc chống lũ bảo vệ tài sản, tính mạng cho hàng nghìn hộ dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều đoạn mặt đê bị sụt lún, nứt toác khiến người dân không khỏi lo lắng, bất an.

Những trụ bêtông do đơn vị quản lý đổ để hạn chế xe tải đi trên đê tả sông Hoàng Long đã bị đập bỏ. Ảnh: NT

Tuyến đê này được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt đầu tư và điều chỉnh lần cuối vào năm 2014 với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng. Đến năm 2016, tuyến đê được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đến nay, bề mặt đê đã xuất hiện nhiều vết lún, nứt kéo dài hàng chục mét.

Anh Bùi Văn Hạnh (trú tại xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) cho biết: Tình trạng mặt đê bị sụt, lún và nứt đã xuất hiện từ nhiều năm nay, ban đầu chỉ là những vết sụt, nứt nhỏ. Nhưng mấy tháng trở lại đây, mặt đê bắt đầu xuất hiện những vết nứt lớn kéo dài hàng chục mét.

Những đoạn nứt sâu, rộng trên mặt đê tả sông Hoàng Long đã được đơn vị quản lý xử lý tạm thời bằng bêtông. Ảnh: NT

“Mỗi ngày có rất nhiều lượt xe tải chở vật liệu xây dựng lưu thông qua lại trên tuyến đê này, nhất là vào ban đêm. Việc xe quá tải hoạt động ngày đêm có lẽ là nguyên nhân chính khiến cho tuyến đê này bị xuống cấp nghiêm trọng” - anh Hạnh nói.

Có mặt tại tuyến đê tả sông Hoàng Long vào chiều 9.9, theo quan sát của PV, suốt chiều dài gần 25km trên tuyến đê này đều được đơn vị quản lý cắm các biển báo hạn chế tải trọng (12 tấn), thậm chí là cho đổ các trụ bêtông ở hai bên mặt đê ngăn không cho xe quá tải qua lại. Nhưng những trụ bêtông này đã bị đập vỡ.

Không chỉ tuyến đê tả sông Hoàng Long mà nhiều tuyến đê xung yếu khác ở đây cũng trong tình trạng tương tự, tuyến đê phòng lũ Năm Căn, có chiều dài 20,6km đi qua địa bàn 6 xã, thị trấn của huyện Nho Quan (Ninh Bình), xuất hiện nhiều vết nứt lớn, mặt đê bị hư hỏng nặng, gây ảnh hưởng đến an toàn đê, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đê điều.

Tuyến đê Năm Căn qua địa bàn huyện Nho Quan, Ninh Bình cũng xuất hiện nhiều vết nứt. Ảnh: NT

Để tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều tuyến đê bị nứt cũng như việc khắc phục sửa chữa những tuyến đê này, ngày 9.9, PV Báo Lao Động đã liên hệ với ông Lâm Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Ninh Bình, tuy nhiên ông Tuấn từ chối trả lời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn