MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu vực sạt lở tại núi Vườn Già, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình khiến nhiều hộ dân phải di dời chỗ ở. Ảnh: NT

Ninh Bình: Sạt lở ở núi Vườn Già, gần 2 năm người dân vẫn phải đi ở nhờ

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 18/08/2022 16:09

Ninh Bình - Kể từ ngày xảy ra sạt lở đá tại khu vực núi Vườn Già (thuộc thôn Đông, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình), đến nay đã gần 2 năm trôi qua nhưng việc khắc phục vẫn dậm chân tại chỗ. Hiện nhiều hộ dân bị ảnh hưởng vẫn phải đi ở trọ hoặc ở nhờ nhà người quen.

Tình trạng sạt lở tại khu vực núi Vườn Già xảy ra từ tháng 10.2020, đã khiến hơn 20 hộ dân sống tại đây phải di dời khẩn cấp trong đêm. Nhiều hộ phải dọn đến ở nhờ nhà người thân, ở nhờ tại hội trường thôn hoặc phải đi thuê trọ để chờ các cơ quan chức năng xử lý.

Chính quyền cũng tiến hành cho rào chắn và lắp biển cảnh báo để người dân không qua lại khu vực này. Ảnh: NT

Bà Đinh Thị Vàn (một trong số những hộ bị ảnh hưởng phải di dời đi nơi khác) cho biết: Khoảng giữa tháng 10.2020, khi xuất hiện hiện tượng sạt lở tại núi Vườn Già, gia đình tôi và hơn 20 hộ dân khác ở đây được chính quyền địa phương yêu cầu di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng. Chính quyền cũng tiến hành cho rào chắn và lắp biển cảnh báo để người dân không qua lại khu vực này.

Sau khi di dời đi nơi khác, các hộ dân ở đây phải chuyển toàn bộ đồ đạc, vật dụng, gia súc... đến ở nhờ nhà người thân hoặc đi thuê trọ, có hộ phải ra hội trường thôn để ở nhờ.

Gần 2 năm nay gia đình anh Cộng vẫn phải ở nhờ tại hội trường thôn. Ảnh: Nt

"Đến đầu năm 2021, sau khi khảo sát an toàn, chính quyền địa phương ở đây đã đồng ý cho gia đình tôi và một số hộ dân khác được trở về tiếp tục sinh hoạt tại nhà cũ ở khu vực núi Vườn Già. Mặc dù được trở về nhà cũ sinh sống nhưng chúng tôi vẫn nơm nớp lo sợ vì tình trạng sạt lở ở khu vực núi Vườn Già vẫn chưa được xử lý" - bà Vàn chia sẻ.

Việc các hộ dân phải đi ở trọ, ở nhờ trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng như việc học hành của các cháu nhỏ.

Anh Nguyễn Trung Cộng (một trong những hộ gia đình đang ở nhờ tại hội trường thôn) cho biết: Việc ở nhờ tạm bợ, không ổn định chỗ ở trong gần 2 năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của gia đình, nhất là việc học hành, sinh hoạt của các cháu.

“Mỗi tháng gia đình tôi được hỗ trợ 2 triệu đồng để đi thuê nhà. Tuy nhiên, việc thuê nhà gặp nhiều khó khăn vì phải đi xa, ảnh hưởng đến việc học tập của các cháu nên tôi xin ở nhờ tại hội trường của thôn. Gia đình tôi rất mong các cấp chính quyền sớm khắc phục tình trạng sạt lở tại núi Vườn Già hoặc bố trí khu tái định cư mới cho chúng tôi chứ đi ở nhờ tạm bợ thế này  rất khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày” - anh Cộng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình - trực tiếp đến kiểm tra hiện trường và thăm hỏi, động viên các hộ dân bị ảnh hưởng. Ảnh: NT

Trao đổi với PV Lao Động, bà Nguyễn Thị Yến - Chủ tịch UBND xã Trường Yên - cho hay: Tình trạng sạt lở ở khu vực núi Vườn Già đã ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, tính mạng của 22 hộ dân. Ngay sau khi xảy ra sạt lở, chúng tôi đã hỗ trợ giúp các hộ di dời đi nơi khác để đảm bảo an toàn. Đến đầu năm 2021, sau nhiều lần kiểm tra mức độ an toàn thì đã có 15 hộ được trở về nơi ở cũ, còn 7 hộ đang phải đi ở trọ, ở nhờ nhà người thân và có hộ vẫn đang ở nhờ tại hội trường của thôn.

"Trong thời gian chờ xử lý, chúng tôi cũng thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi động viên đối với các gia đình phải di dời đi nơi khác. Huyện cũng đã hỗ trợ mỗi hộ 2 triệu đồng/tháng tiền thuê nhà" - bà Yến nói.

Cũng theo bà Yến, địa phương rất mong muốn xử lý sớm khu vực mỏm đá sạt lở, để người dân sớm ổn định cuộc sống hoặc nhanh chóng bố trí tái định cư cho các hộ dân, nhưng việc này phải chờ quyết định của cấp trên vì kinh phí xử lý quá lớn đối với xã.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn