MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều lao động tại các mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang phải đối mặt với nguy cơ tai nạn lao động. Ảnh: NT

Ninh Bình: Tai nạn rình rập người lao động tại các mỏ khai thác đá

DIỆU ANH LDO | 27/04/2022 17:02

Ninh Bình - Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 35 mỏ khai thác đá đang hoạt động với hàng trăm công nhân lao động. Hàng ngày làm việc trong môi trường khắc nghiệt, trang bị bảo hộ lao động lại sơ sài khiến những công nhân, lao động tại đây đang phải đối mặt với nguy cơ tai nạn lao động xảy ra bất kỳ lúc nào.

Tai nạn luôn rình rập

Để tìm hiểu về tình hình mất an toàn lao động tại các mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, trong suốt 1 tuần qua, PV Báo Lao Động đã có mặt tại một số mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh Ninh Bình để ghi nhận thực tế.

Theo quan sát của PV, tại hầu hết các mỏ khai thác đá, công nhân đều không được trang bị đồ bảo hộ hoặc trang bị sơ sài. Có mặt tại mỏ đá Đức Long (xã Đức Long, huyện Nho Quan, Ninh Bình) vào chiều ngày 25.4, theo ghi nhận của PV, hàng chục công nhân lao động làm việc dưới thời tiết nắng nóng, bụi từ các giàn máy xay, nghiền đá bay mù mịt. Một số công nhân phải leo trèo lên vách núi dựng đứng cao cả chục mét để khoan lỗ nhồi thuốc nổ. Công việc vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng việc trang bị bảo hộ lao động cho những công nhân này lại rất sơ sài. Có chăng chỉ là những chiếc mũ bảo hộ lao động bằng nhựa.

Quá trình chế biến đá khiến bụi bay mù mịt. Ảnh: NT

Anh T.V.T - một công nhân làm việc tại đây cho biết: Anh làm việc tại mỏ đá này đã gần 10 năm và chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn lao động, trong đó đã có những vụ dẫn đến chết người. Theo anh T, trước đây việc khai thác đá mang tính thủ công phải dùng búa, đục để đập đá ra nên rất nguy hiểm. Những năm gần đây, các chủ mỏ đã đầu tư máy nghiền, băng chuyền để khai thác, chế biến đá nên tình trạng tai nạn lao động đã giảm nhiều.

"Nguy hiểm nhất hiện nay là những người trong tổ nổ mìn như chúng tôi đây, phải ôm máy khoan bám dây thừng và trèo bằng tay lên vách núi cao cả chục mét để khoan lỗ nhồi thuốc nổ. Với những người làm trong tổ nổ mìn như chúng tôi thì tai nạn có thể ập đến bất kỳ lúc nào" - anh T chia sẻ.

Còn tại mỏ đá Hồng Quang (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) vào chiều ngày 26.4, theo quan sát của PV, hàng chục công nhân lao động đang làm việc tại khu vực máy nghiền đá và băng chuyền. Quá trình chế biến, nghiền đá đơn vị không có hệ thống phun sương dập bụi nên khi làm, bụi bay mù mịt cả một vùng. Trong khi đó, thứ bảo hộ duy nhất của những lao động này là chiếc khẩu trang bằng vải.

Những công nhân nổ mìn phải leo lên vách núi cao cả chục mét để khoan lỗ nhồi thuốc nổ rất nguy hiểm. Ảnh: NT

Anh N.X.Q - một công nhân tại đây chia sẻ, chúng tôi làm việc ở đây hầu hết là làm tự do không có hợp đồng lao động, làm ngày nào hưởng lương ngày đó nên phải tự trang bị bảo hộ lao động. Những người làm việc thường xuyên và gắn bó lâu dài thì thi thoảng cũng được chủ doanh nghiệp phát cho chiếc mũ nhựa hoặc đôi găng tay làm bảo hộ lao động còn lại chúng tôi phải tự túc hết. Cách đây hơn một tháng, ở đây đã xảy ra vụ tai nạn máy nghiền khiến một người bị thương nặng phải đi cấp cứu.

Nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định an toàn lao động

Theo Sở LĐTB-XH tỉnh Ninh Bình, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn lao động tại các mỏ khai thác đá là do một số chủ mỏ đá còn chủ quan, chưa thực sự nâng cao ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định khai thác theo đúng thiết kế được phê duyệt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người lao động.

Môi trường làm việc ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi nhưng việc trang bị bảo hộ lao lao động cho công nhân rất sơ sài. Ảnh: NT

Bên cạnh đó, các chủ mỏ chưa chú trọng tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, người sử dụng lao động. Trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế phục vụ ứng cứu, sơ cứu khi xảy ra sự cố, tai nạn lao động. Một số người lao động còn chủ quan, lơ là, không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động hoặc có thực hiện nhưng cũng chỉ là đối phó.

Qua kiểm tra thực tế tại các mỏ cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp này đều thiếu các trang thiết bị khai thác đá, phòng chống cháy nổ, dụng cụ bảo hộ cho người lao động, hợp đồng lao động... Người lao động do không được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động. Tại một số mỏ việc cắt tầng khai thác chưa tuân thủ đúng kỹ thuật, vẫn còn xuất hiện tình trạng khai thác tạo hàm ếch dễ gây sạt lở. Hầu hết công nhân khai thác ở độ cao không đeo dây bảo hiểm, công nhân đứng máy khoan, nghiền không đeo khẩu trang và đeo kính bảo hiểm. Đó là chưa kể có một số doanh nghiệp tư nhân đã tự ý tuyển dụng lao động nông thôn theo mùa vụ, không tham gia đóng bảo hiểm.

Nhiều đơn vị khai thác đá sử dụng thuốc nổ vượt quá số lượng quy định trong giấy phép. Ảnh: NT

Theo Sở Công thương tỉnh Ninh Bình, năm 2021, Sở đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại 6 đơn vị khai thác mỏ đá trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Qua kiểm tra cho thấy trong quá trình thực hiện hoạt động vật liệu nổ công nghiệp tại một số mỏ đá còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Chưa tổ chức diễn tập xử lý các tình huống khẩn cấp trong kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; chưa niêm yết quy trình, sắp xếp, bảo quản và xuất nhập vật liệu nổ trong kho. Một số đơn vị còn sử dụng thuốc nổ vượt quá số lượng quy định trong giấy phép. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn lao động tại các mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn