MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có gần 800 đền, chùa, mỗi năm thu hút hàng vạn lượt khách tới tham quan, chiêm bái. Ảnh: Diệu Anh

Ninh Bình thực hiện quy định mới về quản lý tiền công đức tại đền, chùa

DIỆU ANH LDO | 30/05/2023 18:16

Ninh Bình - Ông Hoàng Văn Kiên, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện nay, việc quản lý tiền công đức tại các đền, chùa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang được triển khai thực hiện theo quy định mới tại Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19.1.2023 của Bộ Tài chính.

Theo đó, các cơ sở tiếp nhận tiền công đức, tài trợ phải mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

Trường hợp tiếp nhận tiền mặt thì phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung.

Việc quản lý, sử dụng tiền công đức ở các đền, chùa được thực hiện theo Thông tư 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính và có hiệu lực kể từ ngày 19.3.2023. Ảnh: Diệu Anh
Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận.

Người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

Chủ sở hữu di tích tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có gần 800 đền, chùa. Trong đó có những ngôi chùa lớn như chùa Bái Đính, mỗi năm thu hút hàng vạn lượt khách du lịch tới thăm quan, chiêm bái.

Tại hầu hết các đền, chùa đều cho đặt các hòm công đức, thậm chí tại các đền, chùa lớn còn bố trí nhân viên ngồi ở bàn để tiếp nhận tiền công đức của người dân. Hầu như ai đến đây lễ bái, ít nhiều cũng có đóng góp chút tiền công đức, gọi là "tiền giọt dầu". Đấy là chưa kể có những doanh nghiệp, doanh nhân, những người giàu có thường công đức, cung tiến cho nhà chùa, nhà đền với số tiền lớn...

Trao đổi với PV Lao Động, ông Hoàng Văn Kiên, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Ninh Bình cho biết, từ trước đến nay, việc quản lý, sử dụng tiền công đức tại các đền, chùa như thế nào là do các Ban quản lý ở đấy họ nắm. Bây giờ có Thông tư của Bộ Tài chính đã hướng dẫn rất cụ thể, đảm bảo tính công khai, minh bạch.

"Ngay sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản giao cho Sở Tài chính là đơn vị chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao, Sở Du lịch, Kho bạc Nhà nước và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình triển khai thực hiện" - ông Kiên cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn