MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nấu bánh tét tặng người dân nghèo đón Tết tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Văn Đông

Nồi bánh tét, chuyện của ngày xưa đón Tết

NHẬT HỒ LDO | 19/01/2023 17:40

Bạc Liêu – Đêm 28 Tết, ở vùng quê tôi, gần như nhà nào cũng nấu bánh tét. Nấu bánh tét không quá sớm vì để lâu không được, cũng không quá muộn vì còn phải chưng lên bàn thờ chuẩn bị đón ông, bà và cho người thân.

Cũng như bà con ở vùng quê huyện Giá Rai, nhà tôi làm ruộng. Mỗi năm, ba má tôi đều dành một khoảnh nhỏ để trồng nếp bên cạnh cây lúa. Má tôi bảo là do ba muốn trồng nếp để nhà có cái ăn, nấu xôi cùng với đậu ăn sáng thay cơm hoặc dùng để gói bánh tét, hay giã ra làm bột nếp để rằm đến thường nấu chè.

Những năm 1980 của thế kỷ trước, đời sống còn khó khăn. Không phải nhà ai cũng đón Tết cũng có thịt heo, thịt gà. Tập đoàn làm ăn thất khó khăn, không mua nổi một con lợn để chia nhau ăn Tết.

Ngày xưa gần như nhà nào cũng có một dàn bánh tét như thế này trong những ngày Tết. Ảnh: Văn Đông

Đất nước mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh đầy máu lửa nên cuộc sống của hầu hết người dân vùng nông thôn Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) còn khó khăn, nghèo khổ đến cơ cực “Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”. Do đó, mỗi khi sắp đến Tết là bọn trẻ chỉ mong sao mẹ sắm cho được bộ quần áo mới hoặc có thêm đôi dép mới. Tuy nhiên, phần lớn các gia đình người dân ở Bạc Liêu thời ấy đông con nên việc sắm đồ mới cho con cái trong gia đình là cả một vấn đề khó khăn. Mặc dù quần áo chỉ là những loại rẻ tiền, chất lượng rất thấp, nhưng không phải lúc nào cha mẹ cũng có tiền để mua quần áo cho con.

Những năm đầu giải phóng, phần lớn nông dân Bạc Liêu chỉ cấy 1 vụ lúa mùa, năng suất thấp thời gian sinh trưởng lại kéo dài. Nhiều năm, Tết đến rồi mà cả nhà còn phải còng lưng ngoài đồng để gặt lúa, lòi lúa (vận chuyển lúa), suốt lúa hoặc phơi khô.

Dần dần cuộc sống của người dân vùng nông thôn cũng khá hơn. Nhiều gia đình chuẩn bị đón Tết được chu đáo, tươm tất hơn. Riêng gia đình tôi, năm nào trúng mùa thì gói bánh tét.

Thịt lợn khan hiếm, má tôi lấy chuối chín, thêm chút dừa nạo cho vào để làm hai loại bánh mặn nhân đậu không thịt và bánh ngọt nhân chuối.

Tôi thì không quên nhiệm vụ chọn những tàu lá chuối lành lặn có sẵn trước bờ ao, rồi cẩn thận đem hơ đều qua lửa, sau đó rọc ra từng miếng nhỏ. Má kỹ lưỡng chọn loại nếp, đậu đãi thật sạch rồi hong cho ráo, thêm vào ít muối để có độ đậm nhạt vừa phải. Ba cũng ngồi tỉ mẩn chẻ từng sợi lạt rồi ngâm nước lấy độ mềm dẻo dùng để buộc. Mỗi người một việc, sau khi các công đoạn đã hoàn thành.

Má khéo léo trổ tài, chỉ trong thoáng chốc mà các đòn bánh tét đã gói xong hệt như cánh tay bụ bẫm của những em bé con nhà giàu, rồi nhẹ nhàng cho vào nồi, đổ ngập nước bắc lên bếp lửa đỏ hồng trước hiên nhà mà ba vừa nhóm xong.

Những chuyện này, hiện tại gần như trở thành ký ức tuổi thơ. Bởi, hiện tại làng quê đã đổi mới rất nhiều, trẻ con cũng có nhiều niềm vui, sống hiện đại hơn, nhiều món ăn ngày Tết hơn. Nồi bánh tét ngày Tết, không được bao nhiêu nhà còn đỏ lửa.

Cuộc sống tất bật, ai cũng nhanh hơn, gấp gáp hơn, muốn có bánh tét chỉ cần online là có ngay. Gia đình ngày càng ít người hơn nên việc gói bánh tét cũng dần dần đi vào ký ức, dù nó chưa bao giờ thiếu khi Tết đến xuân về ở những gia đình miền Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn